Qua xác minh, chiều 9-2, Đội CSGT - Trật tự Công an quận 7 (TP HCM) lập biên bản vi phạm hành chính đối với tài xế tài xế T.V.P (39 tuổi, ngụ tỉnh An Giang) do chuyển hướng không đúng quy định.
![Khi nào thì CSGT được dùng vũ lực trấn áp người vi phạm?- Ảnh 1. Khi nào thì CSGT được dùng vũ lực trấn áp người vi phạm?- Ảnh 1.](https://nld.mediacdn.vn/thumb_w/640/291774122806476800/2025/2/10/z63034229919629d10e90c0180430dd8d886c31f7ab4e9-1739172296900363406883.jpg)
Hình ảnh ghi lại vụ việc.
Sau khi tổ công tác lập biên bản vi phạm hành chính, tài xế P. không ký. Người này cự cãi và bất ngờ giật lấy biên bản vi phạm hành chính trên tay CSGT.
Dù CSGT đã yêu cầu trả lại biên bản nhưng tài xế P. không trả. Để phòng trường hợp người vi phạm phá hủy biên bản nên CSGT đã khống chế P để lấy lại.
Bạn đọc Báo Người Lao Động đặt câu hỏi khi nào thì CSGT được dùng vũ lực trấn áp người vi phạm?
Theo luật sư Phùng Huyền, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH A+, trong quá trình thực thi công vụ của CSGT, không ít trường hợp người vi phạm chưa hiểu rõ hành vi vi phạm, bức xúc, kích động hoặc say xỉn dẫn đến thiếu kiềm chế, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của lực lượng CSGT.
Đối với những hành vi này, theo quy định tại khoản 1 điều 73 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ thì CSGT sẽ tiến hành giải thích, thuyết phục và yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi cản trở, chống người thi hành công vụ.
Đối với những trường hợp dù đã giải thích, thuyết phục mà vẫn không chấp hành thì tùy theo tình huống, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi từ người vi phạm, lực lượng CSGT sẽ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ hoặc vũ khí theo quy định của pháp luật để ngăn chặn hành vi vi phạm và phòng vệ chính đáng.
Về chế tài xử phạt, điểm a khoản 2 điều 21 Nghị định 144/2021 quy định mức phạt tiền đối với hành vi cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoặc nhiệm vụ khác của người thi hành công vụ theo quy định pháp luật là 4-6 triệu đồng.
Bình luận (0)