Theo ghi nhận của phóng viên, lễ khai giảng tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP HCM diễn ra trang trọng, ngắn gọn, thiết thực. Sau phần khai giảng, nhiều đơn vị trường học tổ chức cho học sinh học tập ngay trong ngày đầu tiên.
Trách nhiệm lớn của ngành giáo dục thành phố
Đến dự khai giảng năm học mới tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên bày tỏ sự ấn tượng trước những thành tích, kết quả mà thầy và trò ở ngôi trường này cùng đạt được.
Nhà giáo Phạm Thị Bé Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, cho biết năm học với chủ đề "Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) TP HCM". Theo hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, đây là một phương châm hành động và cũng là định hướng chỉ đạo cụ thể cho tất cả hoạt động giáo dục. Đồng thời cũng là trách nhiệm của mỗi nhà trường để tiếp cận đến một nền giáo dục tiên tiến và hiện đại...
Đến dự lễ khai giảng tại Trường THCS Bình Trị Đông B, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân - ngôi trường mới có 36 phòng học và các phòng chức năng, bảo đảm nơi học cho 1.260 học sinh - Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi ghi nhận những nỗ lực của quận trong việc xây dựng mới Trường THCS Bình Trị Đông B và các ngôi trường khác để đưa vào sử dụng trong năm học 2024 - 2025. Nỗ lực đó góp phần cùng thành phố thực hiện chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân số (độ tuổi từ 3-18). Chủ tịch UBND TP HCM đề nghị quận Bình Tân tiếp tục nỗ lực đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên phục vụ nhu cầu dạy và học trên địa bàn.
Chủ tịch UBND quận Bình Tân Nguyễn Minh Nhựt cho biết để chuẩn bị cho năm học 2024 - 2025, quận đã hoàn thành đưa vào sử dụng 7 công trình trường học với 204 phòng học, trong đó có 5 trường tiểu học, 1 trường THCS, 1 trường mầm non. Tổng diện tích đất xây dựng 7 trường là 7,97 ha với tổng mức đầu tư 1.212 tỉ đồng.
Các dự án này đưa vào sử dụng cũng góp phần kéo giảm sĩ số học sinh trên lớp học, đặc biệt là cấp tiểu học với sĩ số là 37 em/lớp (giảm 4,2 em/lớp so với năm học 2023 - 2024), tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày là 67% (tăng 13% so với năm học 2023 - 2024)...
Chú trọng phương pháp giáo dục tiên tiến
Nhiều lãnh đạo của TP HCM cùng hòa chung niềm hân hoan của học sinh thành phố. Ông Nguyễn Phước Lộc - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM và bà Văn Thị Bạch Tuyết - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP HCM - dự lễ khai giảng tại Trường THCS Nguyễn Thái Bình (quận 6). Ông Phan Nguyễn Như Khuê - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy - dự lễ khai giảng của Trường THCS Hoa Lư (TP Thủ Đức). Bà Trần Kim Yến - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy - dự lễ khai giảng của Trường Tiểu học Hồ Văn Huê (quận Phú Nhuận)...
Tại ngôi trường 150 tuổi - Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, bà Nguyễn Thị Lệ - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP HCM - gửi lời chúc sức khỏe đến tập thể giáo viên và hơn 1.500 học sinh.
"Nhìn vào bảng vàng thành tích của nhà trường, tôi có thể khẳng định đây chính là bệ phóng tài năng rất tốt. Bằng chứng là đã có rất nhiều thế hệ sinh viên thành tài, không chỉ ở Việt Nam mà còn đánh dấu tên tuổi ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đây chính là sự nỗ lực giảng dạy của giáo viên và truyền thống hiếu học của học sinh" - bà Lệ nhấn mạnh.
Tại buổi lễ khai giảng, nhà giáo Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, đã có những lời nhắn nhủ với học sinh. "Nối tiếp bao thế hệ ở ngôi trường này, các em sẽ được học cách giương buồm ra khơi với hàng loạt hoạt động trải nghiệm thực tế, nghiên cứu khoa học, sinh hoạt câu lạc bộ; được học cách làm chủ công nghệ hiện đại, được thụ hưởng những phương pháp giáo dục tiên tiến nhất. Các em cũng sẽ được thử thách với rất nhiều hoạt động giáo dục đạo đức, rèn luyện kỹ năng..., đủ để các em hiểu rằng làm một người tốt không hề dễ dàng nhưng chúng ta sẽ không bao giờ cúi đầu hổ thẹn với bất kỳ ai" - cô Tâm bày tỏ.
Ngay sau lễ khai giảng, nhiều trường tại TP HCM bắt đầu những tiết học đầu tiên của năm học 2024 - 2025.
15 nhiệm vụ, giải pháp của giáo dục TP HCM
UBND TP HCM ngày 5-9 cũng ban hành kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024 - 2025 ngành GD-ĐT TP HCM.
Theo UBND thành phố, năm học 2024 - 2025 là năm học Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở tất cả cấp lớp, từ lớp 1 đến lớp 12 và cũng là năm học đầu tiên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới. TP HCM xác định chủ đề năm học 2024 - 2025 của ngành GD-ĐT thành phố là: "Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng GD-ĐT TP HCM".
Theo đó, TP HCM xác định 15 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để củng cố và nâng cao chất lượng GD-ĐT. Một trong các nhiệm vụ quan trọng được thành phố đề ra là nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ. Nghiên cứu, xây dựng đề án, kế hoạch từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học; tăng cường hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; tiếp tục tổ chức tốt, nghiêm túc, an toàn, hiệu quả các kỳ khảo sát, thi tuyển sinh đầu cấp, chuẩn bị phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 bảo đảm an toàn, chất lượng, phù hợp tình hình của thành phố...
Bình luận (0)