Chiều 18-5, Báo Tuổi Trẻ đã tổ chức tọa đàm "Nhà ở xã hội (NƠXH): Thêm giải pháp cho thuê".
Tại tọa đàm, nhà báo Trần Xuân Toàn, Phó Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ, cho biết NƠXH được Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm, nỗ lực triển khai các dự án. Tuy nhiên, nhiều dự án đã gặp khó khăn trong cấp phép, triển khai nên nguồn cung rất hạn chế trong khi nhu cầu rất lớn.
Theo ông Trịnh Quang Minh, Phó Trưởng Ban Quản lý Dự án thiết chế Công đoàn - Tổng LĐLĐ Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng NƠXH cho công nhân, người lao động thuê. Đơn vị đã thí điểm dự án gồm 244 căn cho thuê ở Hà Nam. Mô hình này đang được người lao động quan tâm, đăng ký rất nhiều.
Ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP HCM, cho rằng với người có thu nhập thấp, sở hữu một căn nhà, dù là NƠXH cũng là điều mơ ước. Về NƠXH cho thuê, cần phân tích nhu cầu, xem xét tính khả thi. "Ở các tỉnh có quỹ đất, có nhiều khu chế xuất, KCN thì tính khả thi cao. Tuy nhiên, ở TP HCM, người lao động chưa có nhà còn rất nhiều trong khi tổ chức Công đoàn có nguồn lực nhất định. Vì vậy, cần có cơ chế để triển khai" - ông nhìn nhận.
Theo ông Trung, giải quyết số lượng nhà lưu trú bằng cách thúc đẩy hệ thống nhà trọ, tạo điều kiện hỗ trợ công nhân thuê sẽ dễ hỗ trợ họ mua NƠXH. Đồng thời, dùng chính sách hỗ trợ lãi suất cho công nhân thuê với mức 3%-4%/năm thì doanh nghiệp đầu tư sẽ quan tâm. Chỉ khi nhà nước "cầm trịch", các cơ quan liên quan tham gia thì việc triển khai NƠXH cho thuê mới thuận lợi.
Bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương, cho hay Bình Dương có hơn 80% người lao động ngoài tỉnh. Theo khảo sát, có đến 129.000 người có nhu cầu thuê mua và mua NƠXH. Trăn trở của người lao động là thủ tục chưa rạch ròi. Hiện có 10 mẫu khác nhau để xét điều kiện mua nhưng trong đó, 6 mẫu dành cho cán bộ, công chức. Theo bà Loan, cần giảm thủ tục với NƠXH bán, cho thuê với hình thức chỉ cần chủ doanh nghiệp xác định thu nhập của công đoàn viên là đủ, còn theo địa phương hay các quy định khác thì rất khó..
Trong khi đó, ông Lê Hũu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Lê Thành, khẳng định làm NƠXH để bán mà còn khó làm thì NƠXH cho thuê còn khó khăn gấp bội. Theo ông, đầu tiên là bài toán vốn và lợi nhuận. Nếu làm 1 căn NƠXH là 500 triệu đồng, 1.000 căn thì phải có 500 tỉ đồng. Giá cho thuê NƠXH trung bình 3-3,5 triệu/tháng, 1 năm thu về 40 tỉ đồng; trong khi để có tiền đầu tư, doanh nghiệp phải vay ngân hàng với lãi suất thấp nhất 10%. Tính ra, vay 50 tỉ đồng, trừ lại tiền thu, mỗi năm doanh nghiệp lỗ ít nhất 10 tỉ đồng. Vậy có chủ đầu tư nào chịu làm?
"Chúng tôi kiến nghị cần giải quyết nhanh khâu thủ tục cho việc cấp phép NƠXH, vì thời gian là tiền bạc. Cần ghép quy trình, làm song song để đẩy nhanh tiến độ, để chủ đầu tư nhanh chóng đưa cung NƠXH ra thị trường. Nhà nước cần chấp nhận một thị trường NƠXH để kích thích thị trường, kích thích chủ đẩu tư tham gia" - ông Nghĩa nhấn mạnh.
Ông Mai Thanh Tùng, Phó Trưởng Phòng Phát triển nhà và Thị trường bất động sản - Sở Xây dựng TP HCM, cho biết từ năm 2016 đến nay, TP HCM đã có 16.000 căn NƠXH hoàn thiện. Thời gian qua, lãnh đạo TP đã rất nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan dự án NƠXH nhưng khó khăn này tháo dỡ thì phát sinh khó khăn khác. Sở Xây dựng đã có 37 công văn báo cáo Bộ Xây dựng; lãnh đạo TP HCM cũng đã có 15 thông báo, giao các sở, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn cho NƠXH. TP HCM sẽ tập trung quy hoạch, rà soát quỹ đất; tiếp tục triển khai theo Nghị quyết 09/2023 để có nguồn tài chính hỗ trợ lãi suất cho NƠXH, nhà ở cho công nhân…
Bình luận (0)