Tại dự thảo Nghị định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tự sản tự tiêu đang được lấy ý kiến để hoàn thiện trình Chính phủ, Bộ Công Thương đề xuất loại hình này lắp tại nhà ở, cơ quan công sở để tự dùng và nối lưới sẽ không được bán hoặc bán với giá 0 đồng.
Cần căn cứ vào thực tiễn
Đề xuất nêu trên nhận được sự quan tâm lớn của người dân, tổ chức đang có nhu cầu phát triển ĐMTMN tự sản tự tiêu. Theo dự thảo Nghị định do Bộ Công Thương xây dựng, loại hình ĐMTMN nếu không nối lưới sẽ được phát triển không giới hạn. Tổ chức, cá nhân được khuyến khích lắp hệ thống lưu trữ để chủ động dùng trong sản xuất, kinh doanh. Trường hợp nguồn này đấu nối với lưới điện, người dân chọn phát điện dư thừa vào hệ thống sẽ được nhà nước ghi nhận sản lượng nhưng không thanh toán.
Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, trong bối cảnh áp lực thiếu nguồn, các nguồn điện lớn chưa được bổ sung thêm, nhu cầu tiêu thụ điện ngày càng tăng cao, vấn đề cơ chế khuyến khích ĐMTMN cần được xem xét thấu đáo.
TS Ngô Đức Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, cho rằng đặc điểm của điện mặt trời là phát điện vào ban ngày và thay đổi bức xạ theo từng thời điểm, điều này dẫn đến việc thừa, thiếu điện trong quá trình sử dụng. Việc không thể bán điện dư thừa, hay theo đề xuất mới là chỉ ghi nhận sản lượng nhưng không thanh toán sẽ dẫn đến không hiệu quả khi đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời. Với những bất cập đó, TS Ngô Đức Lâm cho rằng nếu mua với giá 0 đồng, khó có thể khuyến khích đầu tư. "Nếu sản lượng điện dư từ hệ thống điện mặt trời được bán lên lưới, sẽ có lợi cho nền kinh tế, có thể giúp giá điện bán lẻ rẻ hơn" - TS Ngô Đức Lâm phân tích.
Có chung góc nhìn, ông Phan Công Tiến, chuyên gia về năng lượng, cho rằng cần xem xét lại cơ chế khuyến khích phát triển ĐMTMN như đề xuất tại dự thảo nêu trên. Nếu mua giá 0 đồng, nhà đầu tư điện mặt trời sẽ bị mất một phần sản lượng khi nối lưới. Từ thực tiễn, vị chuyên gia năng lượng nhấn mạnh người dân khi lắp đặt hệ thống ĐMTMN, đều mong muốn bán một phần dư thừa cho ngành điện để thu hồi vốn, tránh lãng phí nguồn điện. Do đó, cơ quan soạn thảo cân nhắc phương án để ngành điện thỏa thuận với các hộ dân có lắp đặt ĐMTMN, mua lại lượng điện dư thừa với mức giá phù hợp. Điều này, sẽ góp phần tránh lãng phí, tối ưu hóa nguồn điện trước nhu cầu điện có thể tăng mạnh trong thời gian tới và khuyến khích đầu tư như mục tiêu của chính sách.
Lo ngại nên chặn (?!)
Theo Cục Điều tiết Điện lực - Bộ Công Thương, công suất năng lượng mặt trời mái nhà hiện khoảng 7.660 MW, chiếm hơn 9% tổng công suất, sản lượng gần 4% toàn hệ thống điện quốc gia. Xét về công suất lắp đặt, nguồn ĐMTMN có tỉ trọng cao hơn nhiều loại hình nguồn điện năng lượng tái tạo khác như điện gió, điện sinh khối.
Trong các lần hoàn thiện dự thảo Nghị định nêu trên, dù có những ý kiến trái chiều về đề xuất ĐMTMN dư thừa bán giá 0 đồng, song Bộ Công Thương vẫn giữ nguyên đề xuất này ở dự thảo gần nhất. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, trong giai đoạn hiện tại, trong bối cảnh điều kiện của hệ thống truyền tải và phân phối, cân bằng cơ cấu nguồn, biện pháp chống phát ngược và giải pháp mua với giá 0 đồng (trong trường hợp phát lên lưới điện quốc gia) là phù hợp, bảo đảm việc ngăn chặn được hiện tượng trục lợi chính sách. "Những cơ chế khuyến khích loại hình điện mặt trời áp mái tự sản tự tiêu là bước đột phá trong nỗ lực tháo gỡ các rào cản pháp lý cho phát triển nguồn điện trong bối cảnh một số quy định pháp luật chuyên ngành chưa theo kịp thực tiễn" - Bộ trưởng cho hay.
Trước những băn khoăn về việc giá bán 0 đồng sẽ khó thu hút người dân đầu tư ĐMTMN, Cục Điều tiết Điện lực cho biết việc phát triển loại hình ĐMTMN tự sản tự tiêu cần phù hợp Quy hoạch điện VIII. Theo đó, năng lượng mặt trời mái nhà của người dân, tại công trình xây dựng, cơ sở sản xuất kinh doanh được khuyến khích để tiêu thụ tại chỗ, không đấu nối hoặc không bán vào lưới điện quốc gia. Nếu ồ ạt phát triển ở quy mô lớn sẽ ảnh hưởng lớn đến cân bằng hệ thống, gây ra những phí tổn không cần thiết. Cục Điều tiết Điện lực cũng nêu rõ, từ góc độ những nhà đầu tư, đều nhìn thấy những ưu điểm của ĐMTMN, trực tiếp nhất là chỉ đầu tư một lần mà sẽ giảm được chi phí mua điện hằng tháng từ công ty điện lực. Tuy nhiên, để việc cung cấp điện cho các hộ sử dụng điện có đầu tư ĐMTMN ổn định phải tính đến hoạt động của ĐMTMN trong hoạt động chung của toàn hệ thống điện.
Cục Điều tiết Điện lực nhấn mạnh vấn đề "tự sản, tự tiêu", do đó đã đề xuất nhiều cơ chế, chính sách để khuyến khích như cho phép loại hình này được nối lưới, miễn giấy phép hoạt động điện lực, hay điều chỉnh công năng công trình. Trong khi nếu phát triển để kinh doanh, mua bán, tổ chức, cá nhân phải đáp ứng các quy định Luật Quy hoạch, Điện lực, Đầu tư, Xây dựng và các luật chuyên ngành khác. Với các cơ chế thông thoáng đó, Bộ Công Thương lo ngại nếu bán điện thì sẽ xảy ra tình huống vỡ quy hoạch điện của quốc gia và khó kiểm soát hệ thống lưới điện, làm mất an toàn, trục lợi chính sách của nhà nước.
Nhấn mạnh cơ sở hạ tầng lưới điện từng bước được đầu tư những năm qua, song Cục Điều tiết Điện lực cho rằng không có nghĩa hoàn toàn đáp ứng được mọi nguồn điện với đủ các mức công suất khác nhau. Để làm được điều đó, phải có công nghệ lưu trữ, công nghệ vận hành điều độ hệ thống lưới điện, nguồn điện nền có thể kịp thời phát khi điện gió, điện mặt trời sụt giảm. Trường hợp khuyến khích phát triển ĐMTMN tự sản tự tiêu và cho phép nối lưới không giới hạn công suất, thì công tác vận hành lưới điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gặp rất nhiều khó khăn và nguy cơ mất an toàn hệ thống điện quốc gia ở mức rất cao.
Tiêu thụ điện tăng kỷ lục
Trong tuần qua, tiêu thụ điện lập nhiều kỷ lục mới do nắng nóng, trung bình mỗi ngày gần 947 triệu KWh. Riêng miền Bắc tăng hơn 31,7 triệu KWh mỗi ngày.
Vào 13 giờ 30 phút ngày 27-4, nhu cầu công suất lớn nhất toàn quốc lên 47.670 MW, sản lượng tiêu thụ ngày 26-4 tới 994 triệu KWh. So với cùng kỳ năm ngoái, công suất lớn nhất hệ thống điện quốc gia tăng 20,2%, riêng miền Bắc tăng 19,9%.
Ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương):
Sợ ảnh hưởng đến nguồn điện truyền thống!
Tại một số quốc gia có sự phát triển cao của điện mặt trời vẫn xảy ra tình trạng dư thừa dẫn đến cắt giảm nguồn điện tái tạo thường xuyên, làm tăng chi phí vận hành hệ thống điện và lãng phí nguồn lực xã hội.
Việc dư thừa công suất trong một số giờ không đồng nghĩa với việc hệ thống điện dư thừa công suất nói chung, do có thể rơi vào tình huống: Lúc phụ tải hệ thống cần (chiều tối) thì vẫn thiếu, mà lúc phụ tải hệ thống không cần (buổi trưa) thì lại thừa, phải cắt giảm. Như vậy, việc có quá nhiều ĐMTMN sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn điện năng lượng tái tạo và nguồn điện truyền thống.
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR):
Đi ngược nguyên tắc thị trường
Đầu tư hệ thống ĐMTMN nhưng không được bán cho cá nhân, tổ chức khác hoặc bán lên lưới với giá 0 đồng là đi ngược nguyên tắc thị trường. Với chính sách như đề xuất, rất khó thu hút người dân, doanh nghiệp đầu tư ĐMTMN. Đối với hộ gia đình, một hệ thống năng lượng mặt trời mái nhà cũng có chi phí đầu tư từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng, tùy vào công suất. Tại khu vực như miền Bắc, nếu không được bán phần điện dư thừa thì người dân rất băn khoăn khi bỏ vốn đầu tư hệ thống điện.
Chúng ta xây dựng cơ chế khuyến khích, nhưng cơ chế đưa ra đã đạt được mục tiêu đó hay chưa? Cần có cơ chế để EVN mua lại một phần điện dư thừa từ các hộ dân đã đầu tư ĐMTMN. Trường hợp không bán cho EVN, có thể tính đến phương án người dân được khấu trừ sản lượng tiêu thụ trong kỳ thanh toán, hoặc tính bằng một tỉ lệ nhất định so với giá mua điện lưới.
Bình luận (0)