Cuối ngày 9-5, giá vàng miếng SJC được Công ty SJC niêm yết mua vào 87,2 triệu đồng/lượng, bán ra 89,5 triệu đồng/lượng - tăng tới 2 triệu đồng so với hôm trước. Tính từ ngày Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bắt đầu tổ chức các phiên đấu thầu vàng (22-4) đến nay, giá vàng miếng SJC đã tăng tới 6 triệu đồng/lượng; khoảng cách với giá thế giới nới rộng lên tới 18,7 triệu đồng/lượng.
Giá đấu thầu quá cao
Theo các doanh nghiệp (DN), NH thương mại tham gia đấu thầu và một số chuyên gia, giá khởi điểm đấu thầu vàng miếng được NHNN đưa ra những phiên vừa qua quá cao.
Giá trúng thầu của các đơn vị trong 2 phiên đấu thầu thành công ngày 23-4 và 8-5 đều bằng hoặc xấp xỉ giá mua vào của các công ty vàng. Điều này khiến các phiên đấu thầu không hấp dẫn những thành viên tham gia. Các đơn vị trúng thầu cũng buộc phải đẩy giá bán lên cao mới có lãi.
Thị trường lấy đó làm cơ sở để kỳ vọng giá vàng sẽ còn đi lên sau mỗi phiên đấu thầu nên tiếp tục mua vào và ít bán ra. Kết quả là giá vàng miếng SJC liên tục phá vỡ các kỷ lục và bỏ xa giá vàng thế giới.
Thực tế, trong ngày 9-5, khi giá vàng SJC vượt ngưỡng 88 triệu đồng/lượng, nhiều cửa hiệu ở Hà Nội đã chật kín người. Tâm lý đám đông kỳ vọng giá lên 90 triệu đồng/lượng nên đổ xô đi mua. Ở "phố vàng" Trần Nhân Tông, nhiều cửa hàng tái diễn cảnh xếp hàng từ ngoài vào trong. Một số nơi thậm chí không còn vàng miếng để bán.
Ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, nhận định thị trường đang có tâm lý kỳ vọng giá sẽ còn cao hơn nữa. Thực tế, giá vàng miếng liên tục tăng cao những ngày qua và tiến sát 90 triệu đồng/lượng.
Ông Khánh đề xuất: "Nếu giá khởi điểm đấu thầu của NHNN thấp hơn thị trường mới đủ hấp dẫn. Khi đó, sẽ có nhiều đơn vị tham gia để tăng cung cho thị trường và kéo giá vàng miếng SJC xuống. Còn nếu tiếp tục đấu thầu với giá cao, giá vàng ở thị trường sẽ còn tăng nữa.
Cần giải tỏa tâm lý kỳ vọng của người mua vàng, điều này không tốt cho thị trường. Những ngày qua, giá vàng thế giới ổn định hoặc ít biến động nhưng giá vàng SJC lại tăng liên tục, khiến cách biệt ngày càng tăng".
Căn cơ là sửa Nghị định 24
Một chuyên gia có nhiều năm theo dõi thị trường vàng cho rằng giải pháp đấu thầu vàng của NHNN chỉ có hiệu quả khi giá khởi điểm thấp hơn giá thị trường. Việc DN, NH thương mại được đặt mua vàng SJC với mức giá chênh lệch so với giá quốc tế ở mức hợp lý thì mới mong hạ nhiệt giá vàng miếng, thu hẹp khoảng cách với thế giới. NHNN sau khi đấu thầu sẽ mua lại nguồn vàng này từ thị trường thế giới để cân đối trạng thái.
"Điều quan trọng là các DN, NH thương mại sau khi mua vàng từ NHNN phải bán ra thị trường với giá chênh lệch 1-2 triệu đồng là vừa, tránh bán giá cao hơn để hưởng chênh lệch. Như vậy, giá vàng SJC sẽ nhanh chóng giảm và thu hẹp với thế giới" - chuyên gia này nhìn nhận.
Dù vậy, ông cho rằng rằng đây chỉ là giải pháp trước mắt. Căn cơ là cần phải sửa đổi toàn diện Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng. Trong đó, cần sửa quy định nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng và bỏ việc công nhận SJC là thương hiệu vàng miếng chuẩn quốc gia. Bởi lẽ, đây là nguyên nhân chính làm cho giá vàng SJC luôn cao hơn giá thế giới kéo dài thời gian qua.
Trong 12 năm qua, từ khi có Nghị định 24, NHNN không nhập khẩu vàng để bổ sung số lượng vàng miếng ra thị trường. Việc này phần nào đã hạn chế người dân tích trữ vàng miếng. Vì vậy, giải pháp nhập khẩu vàng để sản xuất vàng miếng nhằm tăng cung, đáp ứng nhu cầu sẽ làm giảm chênh lệch giá vàng miếng SJC với giá vàng quốc tế.
Theo tính toán của chuyên gia nêu trên, nếu NHNN nhập khẩu khoảng 10 tấn vàng, với mức giá hiện tại sẽ cần khoảng 700-750 triệu USD. Số tiền này không gây sức ép lên tỉ giá USD/VNĐ. Theo tính toán của Hội đồng Vàng thế giới, nhu cầu vàng trong nước mỗi năm khoảng 50 tấn, nếu nhập khẩu thì cần khoảng 3 tỉ USD. Việc cho phép xuất nhập khẩu vàng chính thức sẽ khuyến khích xuất khẩu vàng nữ trang, từ đó giúp thị trường cân bằng được nguồn ngoại tệ.
Một chuyên gia khác cho rằng các quốc gia trên thế giới, nhất là những nước ASEAN, không có thói quen sản xuất, lưu thông và tích trữ nhiều vàng miếng như ở Việt Nam. Vì vậy, trước mắt cũng như lâu dài, Việt Nam nên định hướng cho người dân dành vốn đầu tư sản xuất - kinh doanh, không dành vốn để tích trữ vàng miếng.
Tạo điều kiện cho vàng trang sức
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam, cho biết xuất khẩu vàng nữ trang là thế mạnh của ngành vàng. Trong sản phẩm vàng trang sức có 25%-30% là giá trị lao động nên cần được khuyến khích, kể cả chính sách thuế xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần tạo cơ hội cho việc xuất khẩu tại chỗ vàng trang sức để góp phần phát triển ngành du lịch.
Bình luận (0)