Thông tin tại tọa đàm, Sở Công Thương TP HCM cho biết hệ thống chợ là một bộ phận quan trọng trong tổng thể kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, không chỉ là nơi giao thương, mua bán hàng hóa mà còn là nơi lưu trữ các giá trị truyền thống - văn hóa - lịch sử của thành phố.
Tính đến ngày 30-6, trên địa bàn TP HCM có 233 chợ gồm 3 chợ đầu mối, 14 chợ hạng nhất, 54 chợ hạng 2 và 162 chợ hạng 3. Hầu hết các chợ được xây dựng trên đất công; các điểm kinh doanh chỉ đạt trung bình 2 - 2,5 m2, chưa đạt theo chuẩn quy định là 3 m2; không có kho chứa hàng riêng mà tận dụng các điểm kinh doanh làm kho chứa hàng.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết đa số chợ truyền thống được hình thành từ lâu đời, cơ sở vật chất xuống cấp, ảnh hưởng thương nhân và người dân đến mua sắm. Đồng thời, sự phát triển nhanh của hệ thống phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi… đã ảnh hưởng đến mãi lực chợ, từ đó khó thu hút các nhà đầu tư bỏ vốn tham gia xây dựng, sửa chữa, nâng cấp chợ.
Tình trạng mua bán tự phát dưới nhiều hình thức tại khu vực xung quanh chợ cũng ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh doanh của các thương nhân trong chợ; chưa kể các vấn đề về giao thông, an ninh - trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm… Từ đó, đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc đầu tư cơ sở vật chất, chuẩn hóa quy trình vận hành và tiến đến chuyển đổi số trong mô hình hoạt động của các chợ truyền thống.
"Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của chợ truyền thống tại TP HCM được xây dựng nhằm rà soát, đánh giá tổng thể hoạt động của các chợ trên địa bàn. Kết quả đánh giá sẽ là cơ sở cho những chính sách phát triển, nâng cấp hay chuyển đổi công năng chợ trong thời gian tới" - ông Phương cho biết.
Bộ tiêu chí được Trường Đại học Kinh tế - Luật chủ trì, phối hợp Sở Công Thương thực hiện, bao gồm 7 nhóm tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động chợ truyền thống về: kinh tế, an sinh xã hội, mức độ đáp ứng 7Ps (một mô hình marketing), văn hóa - du lịch, pháp lý, mức độ đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia về chợ kinh doanh thực phẩm và mức độ cạnh tranh với các cửa hàng bán lẻ khác.
Góp ý tại tọa đàm, một số chuyên gia đề xuất bên cạnh những tiêu chí được tổ xây dựng đề án đưa ra, cần có thêm tiêu chí về tuổi đời, kiến trúc của chợ bởi đây là 2 yếu tố làm nên giá trị của chợ truyền thống - gắn với đời sống, văn hóa của địa phương.
Đại diện một số HTX quản lý chợ cho rằng hiện nay mô hình chợ truyền thống gặp nhiều khó khăn, tiểu thương bị cạnh tranh khốc liệt, nếu không kịp thời có giải pháp thì chợ truyền thống khó tồn tại được.
Bình luận (0)