Ngày 13-1, tại Hội trường Diên Hồng - Nhà Quốc hội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học - công nghệ (KH-CN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Đánh dấu bước chuyển mình của đất nước
Cùng dự tại điểm cầu Trung ương có Chủ tịch nước Lương Cường; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú và các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Hội nghị được kết nối trực tuyến với điểm cầu tại các bộ, ngành, địa phương với gần 1 triệu cán bộ, đảng viên tham dự. Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển KH-CN; quán triệt, triển khai Nghị quyết số 57 ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57).
Nghị quyết 57 nêu rõ phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu và đưa đất nước phát triển bứt phá trong kỷ nguyên mới.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị là đột phá phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đây là văn kiện có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu bước chuyển mình của đất nước trong các lĩnh vực này. Theo Thủ tướng, Nghị quyết 57 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là kim chỉ nam cho sự phát triển trong kỷ nguyên mới phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng và là lời hiệu triệu mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân cùng nỗ lực đưa Việt Nam thành quốc gia phát triển, thu nhập cao, có năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Chính phủ quyết liệt xóa bỏ mọi rào cản
Ngày 9-1, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 03/NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết 57. Theo đó, Chính phủ xác định 7 nhóm nhiệm vụ chủ yếu trong chương trình hành động. Trong đó, Chính phủ quyết liệt hoàn thiện thể chế, xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển, đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Thủ tướng cho biết sẽ xây dựng cơ chế thử nghiệm, đặc thù trong lĩnh vực KH-CN để trình Quốc hội thông qua, trong đó có cơ chế đặc thù về đầu tư công, mua sắm công cho sản phẩm, dịch vụ số theo trình tự thủ tục rút gọn. Cơ chế thí điểm thử nghiệm công nghệ mới có sự giám sát của nhà nước (sandbox) cũng được xây dựng và thực hiện theo phương thức "vừa thiết kế vừa thi công". Người đứng đầu Chính phủ cũng nhìn nhận đầu tư hạ tầng cho KH-CN, đổi mới sáng tạo sẽ là chiến lược mang tính nền tảng. Trong đó, hạ tầng số ưu tiên đi trước một bước để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong phát triển. Ít nhất 15% ngân sách nhà nước chi cho sự nghiệp KH-CN là cần thiết để phục vụ nghiên cứu công nghệ chiến lược.
Bên cạnh đó, Chính phủ chú trọng xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của kỷ nguyên số; có chính sách thu hút nhà khoa học và chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài về làm việc tại Việt Nam. Nhiều cơ chế đặc biệt sẽ được áp dụng như nhập quốc tịch, sở hữu nhà, đất, cấp visa, giấy phép lao động, thu nhập... để thu hút, giữ chân nhà khoa học đầu ngành, chuyên gia, tổng công trình sư. Đồng thời, Chính phủ sẽ xây dựng đề án hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp công nghệ số vươn ra toàn cầu và có cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ.
Để tiếp tục hoàn thiện thể chế, thúc đẩy phát triển KH-CN, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành chú trọng việc tổ chức đánh giá, rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới pháp luật trong lĩnh vực này. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị HĐND các cấp phối hợp ban hành cơ chế, chính sách theo thẩm quyền để khuyến khích, thúc đẩy phát triển nghiên cứu KH-CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn.
Ưu tiên ngân sách cho khoa học - công nghệ
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm dẫn chứng bài học thành công từ các quốc gia, nền kinh tế phát triển như Mỹ, Trung Quốc, Đức, Nhật Bản, Singapore… để nhấn mạnh vai trò của khoa học kỹ thuật và việc tận dụng công nghệ để chuyển đổi mô hình kinh tế, thúc đẩy tăng năng suất lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu. Với mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, theo Tổng Bí thư, Việt Nam phải coi KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chủ chốt. "Đây chính là "chìa khóa vàng", là yếu tố sống còn để vượt qua bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ tụt hậu, đồng thời hiện thực hóa khát vọng hùng cường và thịnh vượng của dân tộc" - Tổng Bí thư nêu rõ.
Theo Tổng Bí thư, Đảng và Nhà nước luôn coi KH-CN là yếu tố quyết định và nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước. Tuy nhiên, kết quả thực hiện các nghị quyết của Trung ương chưa đạt mục tiêu đề ra. Các nhà khoa học mất khoảng 50% thời gian, công sức để làm thủ tục; nguồn lực dành cho KH-CN hạn chế, kinh phí cho nghiên cứu phát triển chưa đến 0,7% GDP, trong khi mức trung bình ở các nước phát triển là 2%, có nước 5%. Bên cạnh đó, các cơ quan chưa mạnh dạn chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu, không thương mại hóa được sản phẩm, nhiều trường hợp làm đề tài là hình thức "làm kinh tế biến tướng".
Đối với Nghị quyết 57, Tổng Bí thư nhấn mạnh nghị quyết này không thay thế các nghị quyết trước đây nhưng có thể xem là "Nghị quyết giải phóng tư duy khoa học", "Nghị quyết để thực hiện các nghị quyết", "Nghị quyết của hành động" với những mục tiêu rất cụ thể, đổi mới cách nghĩ, cách làm, nhằm hiện thực hóa các chủ trương, xóa bỏ rào cản, giải phóng năng lực để thúc đẩy đột phá trong phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tạo nền tảng phát triển mạnh mẽ đất nước trong thời kỳ mới.
Để đạt được mục tiêu nêu trên, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu 8 nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, Tổng Bí thư yêu cầu thống nhất nhận thức phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. "Mọi nhiệm vụ sẽ được giám sát, đánh giá thường xuyên; làm tốt được khen thưởng, làm chậm hoặc sai phạm sẽ bị phê bình, xử lý. Lãnh đạo yếu kém, thiếu trách nhiệm sẽ bị thay thế ngay, không để đất nước lỡ cơ hội phát triển" - Tổng Bí thư chỉ đạo.
Ngay trong năm 2025, Tổng Bí thư yêu cầu hoàn thiện thể chế, chính sách, tháo gỡ hết các điểm nghẽn, rào cản để phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, giải phóng tối đa sức sáng tạo, khuyến khích dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Việc hoàn thiện thể chế phải đi đôi với tổ chức thực hiện hiệu quả, có cơ chế giám sát và đánh giá chặt chẽ, nhất là với đội ngũ cán bộ thực thi, "loại bỏ ngay tình trạng trên rải thảm, dưới rải đinh và loại bỏ tư duy nhiệm kỳ, đố kỵ hay bình quân chủ nghĩa".
Sắp xếp lại bộ máy về KH-CN cũng là nhiệm vụ quan trọng được Tổng Bí thư nêu và yêu cầu các cơ quan hoàn thành ngay trong quý I/2025. Tổng Bí thư gợi mở có thể thu hút các tập đoàn công nghệ hàng đầu, thu hút nhân tài công nghệ là người Việt và người nước ngoài tới làm việc. Để làm được việc này, thủ tục phải có tính cạnh tranh cao so với các nước khác và xem xét bỏ bớt điều kiện kinh doanh không còn phù hợp với yêu cầu mới của Nghị quyết 57. Có thể chọn thí điểm một số viện hoặc trường để mời chuyên gia ở bên ngoài làm lãnh đạo, nhất là trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, những người hiểu rõ văn hóa Việt Nam, trưởng thành ở các nước phát triển, am hiểu chuyên môn và quản lý, có sự kết nối quốc tế sâu rộng.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh cần ưu tiên bố trí ngân sách cho KH-CN xứng tầm là quốc sách đột phá, bố trí ngân sách cho KH-CN, R&D (nghiên cứu và phát triển), lập các quỹ KH-CN, khuyến khích hình thành các quỹ liên quan. 2025 là năm đầu thực hiện Nghị quyết 57, Tổng Bí thư yêu cầu Chính phủ cần đổi mới kế hoạch bố trí ngân sách cho phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, cần bố trí đủ ít nhất 3% ngân sách để thực hiện nhiệm vụ này và tiếp tục nâng tỉ lệ chi cho KH-CN lên 2% GDP trong 5 năm tiếp theo.
Đối với việc hợp tác và tận dụng tri thức quốc tế, Tổng Bí thư cho rằng chúng ta phải biết cách "đứng trên vai của những người khổng lồ", thu hút đầu tư từ các tập đoàn công nghệ lớn, tạo cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, khuyến khích chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực học hỏi, tiếp thu, làm chủ, cải tiến tri thức, công nghệ của thế giới. "Đất nước đang đứng trước cơ hội lớn để vươn mình nhưng thách thức cũng vô cùng to lớn. Chúng ta phải quyết tâm thực hiện cuộc cách mạng phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, không để lỡ thời cơ thêm lần nữa" - Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư làm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học - công nghệ
Theo Quyết định thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, BCĐ trực thuộc Bộ Chính trị gồm 19 thành viên, do Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng BCĐ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Lưu Quang; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm Phó trưởng BCĐ. Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc làm Phó trưởng Ban Thường trực BCĐ. Ủy viên BCĐ là một số Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng.
Hơn 1.000 điểm cầu trực tiếp tại TP HCM
Sáng 13-1, TP HCM tham gia Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên chủ trì điểm cầu chính của thành phố.
Tại điểm cầu thành phố còn có Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Nguyễn Hồ Hải; Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM Nguyễn Phước Lộc. Cùng dự còn có các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và TP HCM.
Hưởng ứng hội nghị, TP HCM có 1.013 điểm cầu với 36.188 đại biểu tham dự.
L.Vĩnh
GS-TS Nguyễn Trường Thịnh, Viện trưởng Viện Công nghệ thông minh và tương tác - ĐH Kinh tế TP HCM:
Mạnh dạn thí điểm những cơ chế mới
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Nghị quyết 57 đánh dấu một bước đột phá so với các nghị quyết trước đây về KH-CN. Để thực hiện thành công nghị quyết này, việc đầu tư vào nền tảng giáo dục và phát triển nguồn nhân lực là vô cùng quan trọng, bởi "muốn phát triển công nghệ thì phải phát triển con người".
Động thái gặp gỡ nhân sĩ, trí thức của Tổng Bí thư Tô Lâm mới đây thể hiện sự lắng nghe, quan tâm sâu sắc đến giới khoa học.
Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, đặc biệt là cơ chế chưa thực sự cởi mở và tầm nhìn của một số lãnh đạo còn hạn chế. Để khắc phục những hạn chế này, cần có những giải pháp đồng bộ - từ việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đến việc nâng cao năng lực quản lý và thay đổi tư duy của các cấp lãnh đạo. Cần mạnh dạn thí điểm những cơ chế mới, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích sự hợp tác giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp, tạo ra một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo thực sự hiệu quả.
PGS-TS Nguyễn Đình Quân, Trưởng Phòng Thí nghiệm nhiên liệu sinh học và Biomass - Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP HCM):
Tập trung đầu tư vào sản xuất, khởi nghiệp
Điểm đáng chú ý, cũng là điểm khiến tôi rất vui mừng chính là chiến lược phát triển KH-CN của Chính phủ vạch ra trong Nghị quyết 57 đã xem chuyển đổi số là một việc làm có tính sống còn của đất nước trong thời đại 4.0.
Theo tôi, điểm khó khăn trong thực hiện Nghị quyết 57 nằm ở việc vận dụng và nhận thức của các cơ quan, tổ chức và cá nhân. Nếu nghiên cứu khoa học mà vẫn chạy theo thành tích bên ngoài thì sự phát triển tưởng như theo xu thế lại chỉ là bề nổi, phô diễn.
Chúng ta không thể không duy trì nghiên cứu cơ bản. Nhưng vì chúng ta đi sau, còn thiếu thốn điều kiện vật chất và đặc biệt là nền sản xuất của chúng ta còn yếu, vì vậy cần xem nghiên cứu ứng dụng và hoạt động khởi nghiệp là chìa khóa của phát triển. Nguồn vốn dành cho KH-CN của nước ta còn rất nhỏ so với các quốc gia phát triển, vì vậy càng phải sử dụng hiệu quả hơn, cần tập trung đầu tư vào những người làm sản xuất, khởi nghiệp.
H.Xuân ghi
Bình luận (0)