Lỗ đen quái vật, tức dạng lỗ đen siêu khối lớn nhất trong các loại lỗ đen, thường được biết đến như "trái tim" của các thiên hà. Trung tâm Milky Way - thiên hà chứa Trái Đất - cũng có một lỗ đen như thế, mang tên Sagittarius A*.
Lỗ đen quái vật - Ảnh đồ họa từ Scientific American
Nhưng lần này, các nhà khoa học Harvard phát hiện ra rằng trong vùng tối ở rìa Milky Way, còn vô số "quái vật" như thế đang ẩn nấp". Nói trên tờ Daily Mail, nhà vật lý thiên văn Angelo Ricarte trấn an rằng tuy hệ Mặt Trời cũng nằm ở gần rìa thiên hà, nhưng khả năng Trái Đất đụng độ - và bị nuốt chửng - bởi một lỗ đen là "rất nhỏ".
Theo Science Alert, đây là một dạng lỗ đen "thất bại", là tàn dư của một vụ va chạm thiên hà.
Chúng cũng từng là lỗ đen trung tâm của một thiên hà khác, nhưng rồi thiên hà của chúng va chạm với một thiên hà khác và đánh bật lỗ đen ra khỏi vị trí trung tâm, trong khi các vật chất khác thuộc thiên hà thua cuộc thì bị thiên hà kia ngấu nghiến.
Theo tính toán, số lỗ đen quái vậy này phần lớn nằm ở phía ngoài quầng thiên hà, tức còn khá xa hệ Mặt Trời của chúng ta. Thông thường sau các vụ va chạm ở 2 thiên hà không quá cách biệt về độ lớn và sức mạnh, các lỗ đen thường hợp nhất, nhưng phát hiện này cho thấy không ít trường hợp lỗ đen trung tâm bị hất văng và trở thành kẻ lang thang.
Không loại trừ giả thuyết đó là tàn dư một bữa ăn nào đó của chính Milky Way, bởi thiên hà chứa Trái Đất là một thiên hà dạng "quái vật", thuộc nhóm những thiên hà to lớn nhất trong vũ trụ. Để có được hình dạng và kích thước ngày nay, nó từng nuốt chửng ít nhất 16 thiên hà khác.
Bình luận (0)