Một nhóm nghiên cứu đa quốc gia thông qua Laser Interferometer Gravitational-Wave Observatory (LIGO, một đài quan sát sử dụng giao thoa kế để nắm bắt sóng hấp dẫn đặt tại Mỹ), và một hệ thống tương tự mang tên Virgo của Châu Âu, đã phát hiện được 4 tín hiệu ma quái từ "không gian sâu" vào đầu tháng 12 vừa rồi.
Một phần hệ thống quan sát vũ trụ LIGO -ảnh: NATURE
Các bước nghiên cứu cho thấy ít nhất 1 trong 4 tín hiệu lạ nói trên đến từ một thảm họa vũ trụ lớn nhất từ trước đến nay mà con người có thể nắm bắt được. Đó là một vụ va chạm nảy lửa giữa hai lỗ đen lớn, tạo ra vụ nổ không gian khổng lồ và sáp nhập thành một siêu lỗ đen.
Vụ nổ này ước tính đã xảy ra tận… 5 tỉ năm trước đó và vì khoảng cách quá xa xôi – 2,5 tỉ năm ánh sáng, đến bây giờ làn sóng "hồn ma" mới truyền đến trái đất và làm lay động các thiết bị quan sát của con người.
Mô phỏng vụ sáp nhập lỗ đen vũ trụ - ảnh: SCI-NEWS
Bốn tín hiệu có tên lần lượt là GW170729, GW170809, GW170818 và GW170823, trong đó GW170729 chính là làn sóng "hồn ma" lớn nhất nói trên. Đây cũng là nguồn sóng lớn và xa xôi nhất được quan sát trong lịch sử vũ trụ, với nguồn năng lượng tương đương 5 lần khối lượng mặt trời được biến đổi thành bức xạ hấp dẫn.
"Các sóng hấp dẫn cho chúng ta cái nhìn sâu sắc chưa từng thấy về dân số và tính chất của hố đen", Chris Pankow, một nhà vật lý thiên văn tại Đại học Northwestern, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết. Nhờ vào việc phân tích các sóng ma quái này, các nhà khoa học có thể tính toán được tần suất xuất hiện của các cặp lỗ đen "quái vật" cực lớn, cũng như ước lượng khối lượng của chúng.
Các phép đo này gián tiếp giúp con người hiểu được các vật thể khổng lồ nhất của vũ trụ đã được sinh ra, sống và chết như thế nào.
Các sóng trên thực tế được truyền đến trái đất qua chùm dữ liệu được hai đài quan sát LIGO và Virgo thu thập từ năm 2017. Nhóm khoa học gia đã mất khá nhiều thời gian để phân tích các dữ liệu và bắt được các làn sóng ma quái nói trên. Trong vòng 2 năm nay, nhóm nghiên cứu đã phát hiện tổng cộng 10 vụ va chạm – sáp nhập lỗ đen và 1 vụ sáp nhập sao neutron.
Bình luận (0)