Sau hơn 2 năm chờ đợi, lúc 9 giờ 30 phút ngày 8-12, máy bay siêu nhẹ 2 chỗ ngồi VAM-1 do Hội Cơ học Việt Nam chế tạo đã cất cánh tại sân bay Nước Trong, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Thành công hơn mong đợi
Với 3 lần lên xuống với tốc độ từ 60 km/giờ đến 80 km/giờ, cuộc thử nghiệm bay đầu tiên đã kiểm chứng được VAM-1 bay ổn định. Càng, lốp và các chi tiết kỹ thuật có độ an toàn cao. VAM-1 là loại máy bay siêu nhẹ, 2 chỗ ngồi, có trọng lượng 408 kg, được gắn một động cơ 60 mã lực. Tốc độ tối đa khi bay đạt 130 km/giờ. Như thiết kế, loại máy bay này có thể dùng trong du lịch, phục vụ nông nghiệp và một số lĩnh vực khác của xã hội như y tế, chữa cháy... Theo đó, chiếc VAM-1 có thể cất cánh và hạ cánh an toàn trên bộ hoặc thủy, với độ cao tối đa dưới 4 km và quãng đường bay tối đa là 400 km.
Hơn 10 cuộc họp và 2 năm chờ đợi
Tháng 4-2003, Chính phủ giao cho Hội Cơ học Việt Nam thực hiện đề án chế tạo “Máy bay cánh quạt loại nhỏ 2 chỗ ngồi”. Chưa đầy một năm sau, tháng 3-2004, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành công việc và xin phép được bay thử. Theo dự kiến, ngày 14-3-2004, VAM-1 sẽ được bay thử tại sân bay Phước Long, tỉnh Bình Phước. Nhưng rồi phải hoãn vì “mặt bằng đang phơi nông sản”. Ngày 28-3-2004, VAM-1 được lăn thử trên sân bay Phước Long, tỉnh Bình Phước với tốc độ lăn 70 km/giờ, vòng quay đều đạt kết quả tốt.
Theo thống kê của một thành viên ban chỉ đạo đề án, từ đó đến nay đã có hơn 10 cuộc họp bàn về việc cho VAM-1 được bay thử. Trong đó, ngoài các cuộc họp của Hội đồng Khoa học - Bộ Khoa học Công nghệ, có 4 cuộc họp do Thủ tướng, Phó Thủ tướng điều hành. “Phải đến lúc Thủ tướng quyết định đây là một cuộc bay thử nghiệm khoa học thì chúng tôi mới hy vọng có thể nhìn thấy sản phẩm của mình cất cánh” - thành viên này cho biết.
Luật Hàng không chưa quy định
Theo thời giá, loại máy bay siêu nhỏ 2 chỗ ngồi này chỉ ở mức 300 triệu đồng. Nhưng chi phí mà Hội cơ học Việt Nam đầu tư cho VAM-1 đã lên đến hơn 1 tỉ đồng. Vấn đề chủ yếu của sự tốn kém này là do “thời gian bay liên tục bị hoãn”. Phải liên tục đưa phi công sang Canada tập dượt, rồi về chờ. Theo quy định của ngành hàng không, mỗi lần máy bay tháo ra bắt buộc phải thay một số thành phần nhất định. Ngoài ra, họ còn phải thuê công nhân lắp ráp máy bay, thuê container chuyên chở...
Lý do chính của việc “không được bay” vì Luật Hàng không Việt Nam chưa có quy định nào về sử dụng loại máy bay siêu nhẹ!
Theo tính toán của Hội Cơ học Việt Nam, nếu sản xuất hàng loạt VAM-1, giá thành cũng chỉ ở mức 250 triệu đến 300 triệu đồng. Nhưng hiện tại nhóm nghiên cứu chưa nhìn thấy hướng đi. Một thành viên Ban Chỉ đạo đề án VAM-1 nói: “Thị trường Việt Nam sẽ chấp nhận và đón nhận VAM-1 nhưng Luật Hàng không chưa cho phép sử dụng máy bay tư nhân... thì nhà khoa học và người sản xuất cũng không thể làm gì được. Chúng tôi rất tiếc nếu VAM-1 chỉ là một vật thử nghiệm khoa học, không được đưa vào sử dụng trong cuộc sống!”.
GS-TS khoa học Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng Ban Điều hành đề án “Chế tạo máy bay cánh quạt 2 chỗ ngồi”: Chuyển giao VAM-2 cho thế hệ trẻ Đã có lúc chúng tôi muốn bỏ cuộc vì thủ tục hành chính quá rườm rà. Nhưng được sự ủng hộ của Chính phủ, UBND TPHCM và đáp ứng mong đợi của người dân Việt Nam chúng tôi đã quyết tâm thực hiện đề án tới cùng. Dựa trên những kết quả cuộc thử nghiệm VAM-1, nhóm nghiên cứu đã chế tạo được một phần VAM-2. Hiện nay VAM-2 với tính năng vượt trội hơn, tốc độ bay đạt 150 km/giờ, động cơ nhỏ 50 mã lực đã được Hội Cơ học Việt Nam thiết kế xong. Nguyện vọng của tôi là sẽ chuyển giao những kết quả của VAM-2 cho thế hệ các nhà khoa học trẻ. |
Bình luận (0)