Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Công nghệ Swinburne (Úc) cho biết họ đã bắt đầu cuộc tìm kiếm từ năm 2017, sử dụng hệ thống ASKAP (Australian Square Kilometer Array Pathfinder).
Một phần hệ thống ASKAP - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
ASKAP là một mạng lưới kính thiên văn khổng lồ gồm 36 chảo vô tuyến lớn và nhiều thiết bị hiện đại đặt ở Tây Úc, do Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Liên bang (CSIRO), một cơ quan khoa học cấp quốc gia của Úc, thiết kế và chế tạo.
Tổng cộng hệ thống này đã bắt được 20 tín hiệu ngoài hành tinh nhưng một trong số đó đã được công bố thời gian trước, nên trong bài báo vừa công bố trực tuyến trên tạp chí Nature ngày 10-10, nhóm khoa học gia chỉ nhắc đến 19 tín hiệu.
Nhà nghiên cứu đứng đầu Ryan Shannon cho biết trong số các tín hiệu FRB, tín hiệu mang mã số nguồn FRB 171020 có khoảng cách gần nhất, đến từ một hành tinh cách chúng ta 425 triệu năm ánh sáng.
Đặc biệt các tín hiệu ngoài hành tinh mới này rõ ràng và ít bị phân tán hơn các tín hiệu trước đó họ đã bắt được, nghĩa là nó có thể được truyền thẳng đến trái đất mà không bị các vật cản làm nhiễu.
Một góc khác của hệ thống kính thiên văn khổng lồ đặt tại Tây Úc - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
FRB là gì? – đó là một câu hỏi còn gây nhiều tranh cãi và cần được nghiên cứu thêm. Đây không phải là lần đầu con người nhận được tín hiệu ngoài trái đất nhưng cho đến nay, chưa ai giải mã được chúng. Các nhà khoa học tin rằng nó có thể đến từ một vụ nổ lớn ở rất xa trái đất và cũng có thể là thứ chúng ta luôn tìm kiếm – tín hiệu từ một nền văn minh ngoài hành tinh.
Hồi giữa tháng 9, một nhóm khoa học gia Mỹ cũng vừa công bố phát hiện về 72 chớp sóng vô tuyến được một hệ thống AI (trí thông minh nhân tạo) bắt được thống qua hệ thống kính thiên văn Green Bank Telescope đặt ở Tây Virginia (Mỹ). 72 tín hiệu này đều xuất phát từ nguồn FRB 121102, một thiên hà cách trái đất 3 tỉ năm ánh sáng.
Bình luận (0)