Theo Live Science, núi lửa băng là một dạng núi lửa hoàn toàn ngược với núi lửa trên Trái Đất và chỉ có thể tìm thấy ở những vật thể vũ trụ cư trú ở nơi xa xôi, lạnh giá của hệ Mặt Trời.
Các nhà thiên văn học gần đây đã dự báo 29P sắp phun trào, nên đưa vào danh sách theo dõi chặt chẽ.
Quả thật vào đầu tháng 4, nhóm khoa học gia từ Hiệp hội Thiên văn học Anh (BAA) đã quan sát thấy độ sáng của 29P tăng đột biến. Các dữ liệu phân tích ánh sáng sau đó cho thấy đó đúng là cú phun trào của núi lửa băng trên sao chổi.
Sao chổi 29P - Ảnh: NASA
Theo Spaceweather, vụ phun trào mới nhất giống như cảnh tượng khi nút chai vừa bật ra khỏi chai sâm panh, dù các nhà khoa học vẫn chưa định lượng chính xác được sức mạnh của nó.
Sự lóe sáng khi băng giá phun trào là do ánh sáng phản xạ từ khí và băng, còn được gọi là "cryomagma", khi sao chổi bước vào giai đoạn thăng hoa vì đến gần Mặt Trời.
Trước đó vào tháng 11 năm 2022, một vụ phun trào khác từ sao chổi này đã giải phóng ra không gian hơn 1 triệu tấn cryomagma, trở thành vụ nổ thứ 2 cùng loại từng được ghi nhận trong 12 năm qua.
Tuy nhiên như mọi vụ phun trào sao chổi khác, các nhà khoa học không thể dự đoán trước khi nào vụ phun trào năm 2022 xảy ra nên không thể quan sát nó trực tiếp và trọn vẹn như lần này.
Sự kiện mới nhất sẽ giúp họ có thêm nhiều dữ liệu rõ ràng hơn để hiểu về các núi lửa băng bí ẩn trong hệ Mặt Trời.
Núi lửa băng cũng tồn tại trên một số vật thể băng giá khác, ngoài sao chổi thì các mặt trăng của các hành tinh khác như Enceladus của Sao Thổ hay Triton của Sao Hải Vương cũng được cho là có núi lửa băng.
29P là một trong nhưng sao chổi thuộc Vành đai Kuiper, một vòng vật thể băng giá bên ngoài quỹ đạo của Sao Hải Vương, nhưng sau đó được đẩy vào khu vực gần Mặt Trời hơn là khu vực quanh Sao Mộc.
Bình luận (0)