Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi tiến sĩ Jacinta Delhaize từ Khoa Thiên văn, Đại học Cape Town (Nam Phi) giải thích rằng sóng vô tuyến (radio) mạnh mẽ từ các thiên hà này là do một dạng tia plasma đặc biệt từ một số lớp hạt nhân thiên hà đang hoạt động. Nó là một đặc tính hết sức độc đáo của các "thiên hà vô tuyến". Trong "đôi mắt" của kính thiên văn vô tuyến, tín hiệu vô tuyến này được ghi lại bằng một dạng hình ảnh độc đáo, giúp các nhà khoa học "nhìn" được thiên hà.
Một phần của 2 thiên hà vô tuyến khổng lồ được "nhìn thấy" dưới ánh sáng đỏ - Ảnh: Đài thiên văn vô tuyến Nam Phi
Trích dẫn nghiên cứu, tờ Sci-News cho biết 2 thiên hà vô tuyến này có kích thước đáng nể là 6,5 triệu năm ánh sáng, tức gấp 62 lần Milky Way. Trong khi đó Milky Way, với tên gọi cũ là "Dải Ngân Hà" bởi hình ảnh một dải sáng vắt ngang trời trong góc nhìn hẹp từ mặt đất, đã được coi là một "quái vật" trong thế giới thiên hà, đủ lớn để nuốt chửng 16 thiên hà khác trong quá khứ.
Tiến sĩ Delhaize cho biết hai thiên hà vừa được tìm thấy được đặt tên là MGTC J095959.63+024608.6 và MGTC J100016.84+015133.0. Phát hiện này là một phần của dự án quốc tế MeeKAT nhằm xây dựng bản đồ vô tuyến các thiên hà trong vũ trụ. Việc tìm kiếm 2 thiên hà mới này là rất khó khăn bởi tín hiệu vô tuyến chúng phát ra mờ và bị khuếch tán.
"Hai thiên hà này đặc biệt vì chúng nằm trong số những thiên hà không lồ nhất được biết đến. Chúng tôi nghi ngờ rằng có nhiều thiên hà như thế sẽ tồn tại" - tiến sĩ Mathew Prescott từ Viện Dữ liệu thiên văn chuyên sâu và Khoa Vật lý và thiên văn họ, thuộc Đại học Western Cape (Nam Phi), thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.
Nghiên cứu vừa công bố trên Monthly Notices of the Royal Astronomical Society.
Bình luận (0)