Theo The South China Morning Post, nghiên cứu từ Trường ĐH Sư phạm Bắc Kinh, Đài quan sát thiên văn Quốc gia Trung Quốc, Trường ĐH California ở Berkeley (Mỹ), đã phát hiện ra một tín hiệu vô tuyến bí ẩn xuất phát từ hướng của Kepler-438, một ngôi sao lùn đỏ trong chòm sao Lyra (Thiên Cầm), cách Trái đất khoảng 473 năm ánh sáng
Điều thú vị nhất là hành tinh quay quanh nó - Kepler-438b - từng được Viện Tìm kiếm Trí thông minh ngoài Trái đất (SETI - Mỹ) khẳng định là hành tinh giống Trái Đất nhất từ trước đến nay, trong một tuyên bố năm 2015.
Phát hiện mới này được thực hiện bởi Kính viễn vọng hình cầu khẩu độ 500 m (FAST), đặt tại Tây Nam Trung Quốc.
Theo các nhà khoa học, tín hiệu vô tuyến bí ẩn này có thể chỉ ra sự hiện diện của các nguồn công nghệ trong vũ trụ, bởi không một quá trình thiên văn tự nhiên nào có thể giải thích nó.
Trong cuộc khảo sát gần đây mang tên Seti, nhằm tìm hy vọng về một nền văn minh ngoài hành tinh, FAST đã xem xét 33 hệ hành tinh tiềm năng. Tín hiệu ứng cử viên được phát hiện ở 1,14 gigahertz bởi bộ thu 19 tia của kính viễn vọng FAST, cho phép quan sát đồng thời 19 vùng trên bầu trời.
Tất cả 19 chùm tia trên máy thu đang ghi dữ liệu đồng thời vào thời điểm đó nhưng chỉ có chùm tia 1 hướng đến mục tiêu.
"Đây là sự kiện duy nhất chỉ xuất hiện trong chùm tia 1 và không xuất hiện trong bất kỳ chùm tia nào khác, điều này làm cho nó khác với bất kỳ sự kiện nào mà chúng tôi đã phát hiện" - các tác giả cho biết.
Các nhà nghiên cứu đã loại trừ khả năng tất cả các nguồn gây nhiễu tần số vô tuyến trên mặt đất nằm ngoài kính thiên văn, bao gồm cả máy bay. Họ cũng loại trừ khả năng có các vật thể nhân tạo, chẳng hạn như vệ tinh hoặc tàu thăm dò không gian.
Tuy nhiên họ vẫn thận trọng: "Vẫn có một số bằng chứng khiến chúng tôi nghi ngờ rằng sự kiện Kepler-438b là một tín hiệu nhiễu tần số vô tuyến của một thiết bị". Vì vậy, nhóm nghiên cứu đang triển khai thêm một số quan sát bổ sung hướng về hành tinh thú vị này.
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!