Một hành tinh mang tên OGLE-2016-BLG-1928, kích thước bằng đúng Trái Đất, vừa được tìm thấy sau nỗ lực của 30 nhà nghiên cứu khắp thế giới dựa vào kỹ thuật kết hợp giữa OGLE (Thí nghiệm thấy kính hấp dẫn quang học) và KMTN (Mạng lưới kính hiển vi thiên văn Hàn Quốc).
Ảnh đồ họa mô tả một "hành tinh mồ côi" - Ảnh: NASA
Hành tinh kỳ dị này là một trong số những thiên thể được gọi là "hành tinh mồ côi": trôi nổi trong không gian mà không có bất kỳ ngôi sao mẹ nào. Tất nhiên, chúng phải được sinh ra bởi sao mẹ, giống như Trái Đất ra đời từ đĩa bồi tụ của ngôi sao mẹ tên Mặt Trời.
OGLE-2016-BLG-1928 không may mắn như Trái Đất. Vì một lý do bí ẩn nào đó, nó không giữ được quỹ đạo ổn định mà bị hất văng khỏi "hệ mặt trời" của nó.
Theo tiến sĩ Przemek Mróz từ Viện Công nghệ California (Mỹ), các mô hình thiên văn cho thấy có thể có hàng tỉ, thậm chí là hàng nghìn tỉ hành tinh như thế trôi nổi trong thiên hà chứa Trái Đất Milky Way. Chúng có kích thước từ 30% cho đến 100% Trái Đất của chúng ta. Nguyên nhân chúng bị văng ra có thể là tương tác động lực học giữa các hành tinh khác cùng hệ (chính Sao Mộc từng được chứng minh giúp Trái Đất trở nên dễ sống và "giết chết" Sao Kim), hoặc tương tác giữa các ngôi sao trong hệ có đến 2, 3 sao mẹ…
Thế nhưng việc xác định vô cùng khó khăn, bởi bản thân Trái Đất là một hành tinh cỡ nhỏ, việc tìm thấy một thứ nhỏ, thậm chí nhỏ hơn vậy trong không gian tối tăm, không có sao mẹ chiếu rọi đòi hỏi những kỹ thuật cao cấp và cả sự may mắn.
Không may là hy vọng có sự sống trên các hành tinh này gần bằng 0. Không được sưởi ấm bởi sao mẹ, chúng có thể cực lạnh và chết chóc. Nghiên cứu vừa công bố trực tuyến trên airXv.org.
Bình luận (0)