TS Laurie Leshin - nhà nghiên cứu của dự án Curiosity cùng các đồng sự - khẳng định trên Tạp chí Khoa học của Mỹ rằng khoảng 2% bề mặt đầy bụi của sao Hỏa là nước. Đây có thể là nguồn tài nguyên hữu ích cho các nhà du hành trong tương lai.
“Nếu chúng ta đem khoảng 1 feet khối (0,028317 m³) đất đốt nóng lên đến vài trăm độ bạn sẽ thu được khoảng 946 ml nước, tương đương 2 chai nước mọi người vẫn mang khi đi thể dục. Đất trên sao Hỏa thật thú vị bởi có vẻ như ở bất kỳ đâu cũng giống nhau. Nếu bạn là một nhà thám hiểm, điều này thực sự là tin tốt bởi bạn có thể dễ dàng lấy nước từ bất kỳ đâu”, TS Leshin giải thích.
Thông tin về sự có mặt của nước trong các thành phần mịn của đất chỉ là một phần trong số hàng loạt thông tin được Tạp chí Khoa học đăng tải.
Vài dữ liệu trong bài viết từng được công bố tại các hội thảo khoa học và các buổi họp báo của NASA. Tuy nhiên, lần công bố chính thức này giúp cộng đồng các nhà nghiên cứu có cơ hội tìm hiểu cặn kẽ từng chi tiết về lượng nước trên sao Hỏa.
Công bố của TS Leshin và công sự liên quan đến việc phân tích một mẫu vật được thực hiện tại Rocknest, một đống cát cách nơi Curiosity hạ cánh khoảng 400 m trên nền của miệng núi lửa Gale hồi tháng 8-2012.
Các robot sử dụng các công cụ để nhặt, sàng và chuyển mẫu bụi sao Hỏa này tới một thiết bị có tên là Sam được giấu bên trong thân của nó. Sam có thể đun nóng mẫu vật và xác định các thành phần trong đất.
Ví dụ, nếu Curiosity đã ghi nhận một lượng đáng kể carbondioxide, điều này có nghĩa là có muối cacbonat trong mẫu đất đó. Cacbonat hình thành với sự có mặt của nước.
Robot cũng thấy sự hiện diện của ôxy và clo - một dấu hiệu mà nhiều người đã trông đợi sau những nghiên cứu tương tự về sao Hỏa được tàu Phoenix của NASA thực hiện năm 2008.
Bình luận (0)