Năm 2020, trái đất có dịp đón 3 siêu trăng liên tiếp. Theo các nhà thiên văn, sau "siêu trăng tuyết" tháng 2; "siêu trăng giun" tháng 3 và "siêu trăng hồng" tháng 4 sẽ liên tiếp xuất hiện.
Theo giờ Việt Nam, siêu trăng giun xuất hiện vào đêm 9-3 và rạng sáng ngày 10-3, với đỉnh điểm là 0 giờ 47 phút ngày 10-3. Siêu trăng hồng xuất hiện đêm 7-4 rạng sáng ngày 8-4, nhưng rất tiếc chúng ta không thấy được thời điểm mặt trăng to nhất bởi nó đạt đỉnh vào lúc 9 giờ 35 phút sáng 8-4.
"Siêu trăng sâu" của năm 2019 - ảnh: NASA
Siêu trăng là cụm từ dùng để chỉ những lần trăng tròn mà mặt trăng nằm ở 10% gần trái đất nhất trên quỹ đạo của nó, khiến mặt trăng hiện ra to hơn thường lệ trên bầu trời đêm. Đó là một sự kiện ngoạn mục cho ai muốn săn một tấm ảnh nghệ thuật với mặt trăng, bởi mặt trăng sẽ trông to, rõ hơn bao giờ hết. "Siêu trăng" không phải cụm từ chính thức của giới khoa học, mà được đặt bởi một nhà chiêm tin mang tên Richard Nolle vào năm 1979.
Đặc biệt siêu trăng hồng tháng tư lần này sẽ đi kèm với "nguyệt thực nửa tối". Bạn sẽ cảm thấy có một "bóng ma" lờ mờ lướt ngang mặt trăng và làm nó tối đi chút ít. Nguyệt thực nửa tối xảy ra khi mặt trăng lọt vào phần rìa của bóng trái đất, thay vì hoàn toàn nằm trên một đường thẳng với trái đất và mặt trời và bị tối đen. Rất tiếc từ Việt Nam không thể quan sát lần nguyệt thực nửa tối này mà may mắn thuộc về các quốc gia phía bên kia địa cầu.
Còn cái tên "trăng giun", "trăng hồng" là cách người phương Tây gọi các lần trăng tròn từ thời văn minh bộ lạc. Thường tên gọi sẽ liên quan đến một hoạt động hay sự kiện gì đó. Gọi "trăng giun" vì rằm tháng 3 là lúc nhiệt độ ấm lên, giun bắt đầu sinh sôi và chim bắt đầu tìm thức ăn. Tháng tư gọi là " trăng hồng" vì đó là mùa của hoa dã quỳ hồng.
Tương tự, trăng tháng 1 được đặt tên "trăng sói" vì là mùa đàn sói thường hú dậy núi rừng; trong khi trăng tháng 2 mọc giữa mùa đông giá được đặt tên "trăng tuyết"; trăng tháng 5 được gọi là "trăng hoa" vì mọc ngay thời điểm mặt đất ngập tràn những bông hoa đủ sắc…
Bình luận (0)