Dòng chữ bằng than trong ngôi nhà có di cốt của 2 phụ nữ và 3 đứa trẻ rúc vào nhau được tìm thấy tháng 10-2018 đã tiết lộ chính xác khoảnh khắc thời gian chết đi tại di tích thành bang Pompeii của La Mã cổ đại, nay thuộc địa phận nước Ý. Đó là ngày 17-10, năm 79 sau công nguyên, theo Dương lịch, muộn hơn gần 2 tháng so với ngày mà trước đây các nhà khảo cổ tin rằng thảm họa núi lửa xảy ra.
Thành phố cổ huy hoàng
Bức tường và 5 bộ hài cốt là một phần trong câu chuyện huy hoàng và tàn khốc mà Pompeii đã kể lại cho người đời sau, khi công cuộc khai quật thành phố này được đẩy mạnh trong năm qua.
Bức tường ghi rõ ngày tháng sự sống khắp Pompeii kết thúc - ảnh: EPA
Người Pompeii "hóa đá" trong nhiều tư thế vì cái chết bất ngờ do tro bụi núi lửa ập xuống - ảnh: SHUTTERSTOCK
Thảm họa Pompeii đã từng được dựng thành bộ phim cùng tên, với đoạn cuối mô tả đời sống sụp đổ trong khoảnh khắc khi núi lửa phun trào, hóa đá 2 nhân vật chính trong nụ hôn cuối cùng. Sự thực thì Pompeii còn bí ẩn hơn thế, bao gồm cả bí ẩn về sự sống và cái chết.
Thành bang Pompeii lộng lẫy, xa hoa của La Mã cổ đại sở hữu nghệ thuật tranh tường vô cùng xuất sắc và nhờ đó các nhà khảo cổ đã hiểu thêm về đời sống vật chất lẫn tâm linh của họ.
Một nhà khảo cổ đang làm việc tại Pompeii - ảnh: EPA
Đầu tháng 8-2018, thế giới có dịp chiêm ngưỡng "ngôi nhà của Jupiter" của một người đàn ông Pompeii học thức và giàu có, cư ngụ tại khu vực Regio V của thành phố. Ngôi nhà đã được khai quật một phần từ thế kỷ 18 và 19 nhưng đợt khai quật thế kỷ 21 này với những công cụ hiện đại hơn đã phát hiện những bức bích họa tuyệt đẹp và thậm chí còn tươi màu.
Bích họa trong "ngôi nhà của Jupiter - ảnh: EPA
Ảnh: EPA
Bích họa Pompeii khá nhiều phong cách nhưng đa số giống tranh thuộc trường phái ấn tượng hoặc tranh thời Phục hưng, nên nhiều nét văn hóa cổ xưa đã được lưu giữ. Độc đáo nhất là bức tranh một công chúa Hy Lạp đang ân ái với một con thiên nga trên tường phòng ngủ của một ngôi nhà đổ nát khác. Con thiên nga chính là hiện thân của Jupiter – vua của các vị thần, tương đương thần Zeus trong thần thoại Hy Lạp.
Công chúa Hy Lạp đang ân ái với thần Jupiter - ảnh: AP
Phút "hóa đá" của sự sống và cái đẹp
Trước đó, từ năm 2015, một nghiên cứu do ông Stefano Vanacore, giám đốc phòng thí nghiệm tại Khu khảo cổ học Pompeii cũng tiết lộ chân dung người Pompeii, khi dùng CT scan để nhìn dung nhan 84 "người hóa đá". Vì bị hóa đá lập tức, hài cốt bên trong vẫn giữ nguyên nhiều đường nét lúc sống, dù nhiều người mang những vết thương. Người Pompeii có khung xương, hàm răng hoàn hảo và những đường nét vô cùng thanh tú trên gương mặt.
Ảnh: EPA
Một phần thành bang cổ Pompeii được khai quật - ảnh:EPA
Điều đáng buồn nhất trong các phát hiện khảo cổ có lẽ là những cái chết đột ngột và thảm khốc: nhiều người bị "hóa đá" vì tro núi lửa vây bọc trong tư thế đang ngủ, đang sợ hãi, đang trốn chạy… Một số người khác thậm chí chết vì máu bốc hơi hết do thay đổi đột ngột về nhiệt và áp suất. Một chú ngựa chiến sau khi bị bọc bởi khoáng chất núi lửa thậm chí đã hóa đá theo nghĩa đen, khi những khoáng chất lần lượt bò vào thay những tế bào hữu cơ và biến nó thành ngựa đá.
Ảnh mô phỏng Pompeii trong thảm họa
Bất chấp sự kết thúc đột ngột và thảm khốc đó, thành bang Pompeii và những thành phố, thị trấn chịu chung số phận xung quanh vẫn đại diện cho một giai đoạn văn minh rực rỡ của người La Mã, một cuộc sống huy hoàng, nơi nghệ thuật và văn hóa được coi trọng và phát triển đáng kinh ngạc so với những nơi khác trên thế giới.
Một nhà khoa học đang nâng niu chiếc vại cổ - ảnh: EPA
Ngôi nhà đổ nát được tái hiện lại bằng kỹ thuật 3D
Bình luận (0)