Một cuộc viễn chinh xa xôi và khốc liệt đã được các nhà khoa học Đức tái hiện trong một nghiên cứu khảo cổ thú vị vừa công bố trên tạp chí khoa học Antiquity.
Cách đây ít lâu, một số đồ đạc bằng đồng, được cho là của một người lính tham gia trận đại chiến tại Thung lũng sông Tollense vào khoảng năm 1250 trước Công Nguyên, đã được tìm thấy trong tình trạng cực kỳ tốt, nằm yên dưới bùn đáy sông suốt 3.200 năm.
Kho báu thời đồ đồng được khai quật dưới đáy sông - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
Một nhóm thợ lặn đã tìm kiếm trong khu vực và phát hiện nhiều đồ vật khác nằm lẫn với 140 bộ hài cốt. Các vật dụng bằng đồng cùng một số trang sức vàng và đồng thuộc về một số nền văn hóa cổ không phải bản địa cho thấy họ đã được trang bị để di chuyển một chặng đường khá xa đến nơi tham chiến.
Theo nhà nghiên cứu Thomas Terberger từ Văn phòng Khảo cổ bang Lower Saxony ở Hanover - Đức, những người lính này là lính viễn chinh từ các quốc gia khu vực phía Nam của Châu Âu. Những vật dụng nổi bật được tìm thấy bao gồm các đầu mũi tên, ghim cài áo, dụng cụ đồng phục vụ sinh hoạt, một chiếc hộp đeo ở đai lưng như một trang sức đắt tiền và cả nhẫn vàng, cùng một số kim loại phế liệu đã bị thời gian hủy hoại ít nhiều. Thứ duy nhất khác biệt là thanh kiếm đồng, loại vũ khí mà người miền Nam nước Đức cổ xưa hay dùng.
Các bộ hài cốt được phát hiện - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
Trước đó, một số vật dụng tương tự cũng đã được tìm thấy ở miền Đông nước Pháp hoặc khu vực Bohemia ở Cộng hòa Czech.
Theo các tác giả, những yếu tố này cho thấy người thời đồ đồng 3.200 năm trước đã phát triển các hình thức giao tiếp hiện đại hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây: họ đã có sự kết nối giữa các quốc gia cực kỳ xa xôi, dù đó là kết nối tiêu cực bởi chiến tranh. Đó không phải là một cuộc chiến cục bộ giữa các bộ lạc mà là một trận chiến được tổ chức quy mô.
Trước đó, hàng ngàn hài cốt cùng loại đã được tìm thấy rải rác trong khu vực từ năm 1996. Ước tính, trận đại chiến năm 1250 trước Công Nguyên có tới 4.000 người tham gia.
Bình luận (0)