Mặt nạ tử thần là một chiếc đầu bằng đất sét thể hiện dung mạo thanh tú của một nam thanh niên, nằm giữa mớ hài cốt hỗn độn đã được hỏa táng của khoảng 200 người. Ngôi mộ được khai quật ở Khakasssia (Nga) vào năm 1968.
Do không thể làm vỡ hiện vật quý giá, các nhà khảo cổ quyết định chỉ nghiên cứu nó bằng công nghệ chẩn đoán hình ảnh. Kỹ thuật X-quang sơ khai thời điểm dó chỉ cho phép phát hiện bên trong chiếc đầu có một hộp sọ, khá nhỏ so với đầu người trưởng thành.
Cận cảnh "mặt nạ tử thần - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
Mới đây, nhóm khoa học gia đứng đầu bởi giáo sư Natalya Polosmak từ Viện Khảo cổ học và dân tộc học; cùng tiến sĩ Konstatin Kuper từ Viện Vật lý Hạt nhân; đã một lần nữa cố giải đáp bí ẩn cổ xưa.
Với phương pháp chụp ảnh huỳnh quang hiện đại, họ đã nhìn rõ những gì nằm trong mặt nạ tử thần: hộp sọ một con cừu.
Cùng với các bước phân tích khác liên quan đến ngôi mộ, phong tục tang lễ của người Tagar cổ đại – tộc người mà những hài cốt trong ngôi mộ cổ xưa này thuộc về, các nhà khoa học tin rằng mặt nạ này thuộc về một người đàn ông chết mà không tìm thấy thi hài.
Anh là một chiến binh Tagar. Để an táng anh cùng đồng đội, những người thân, bạn bè đã quyết định chọn một con vật được coi là hiện thân của linh hồn anh, gửi vào chiếc mặt nạ tử thần. "Đây là cách để đảm bảo cuộc sống sau cái chết của một người không trở về nhà" – các tác giả lý giải quan niệm cổ xưa.
Một giả thuyết thứ 2 là nam thanh niên này vẫn còn sống sau "tang lễ" của chính mình. Việc chôn cất giả với mặt nạ của anh và đầu cừu bên trong nhằm giúp đối tượng có cơ hội bắt đầu một cuộc sống mới.
Trong các ngôi mộ cổ khác tại Nga, người ta cũng thường tìm thấy mặt nạ tử thần, búp bê tử thần, nhưng vẫn chứa hài cốt người. Sau vài năm chôn cất, mộ phần người chết được đào lên, lấy phần xương làm khung, dùng cỏ và vỏ cây bạch dương tạo nên một búp bê tử thần; riêng khuôn mặt được tái tạo bằng đất sét.
Bình luận (0)