Đại kim tự tháp Huaca Pucllana là một khu phức hợp rộng lớn bằng đất sét và đất nung, đóng vai trò một trung tâm hành chính và nghi lễ quan trọng của Văn hóa Lima, một dân tộc tiền Inca sống ở Bờ biển miền Trung Peru từ năm 200-700 sau Công nguyên.
Theo Heritage Daily, kim tự tháp khổng lồ này được xây khá giống kiểu kim tự tháp Inca, là dạng kim tự tháp bậc thang với 7 bệ chính so le.
Khi khai quật bệ ở đỉnh đại kim tự tháp, các nhà khoa học đã phát hiện một ngôi mộ cổ kiểu hố hình tròn, trong đó là một người ngồi uốn cong và quay mặt về phía Nam.
Đại kim tự tháp Huaca Pucllana - Ảnh: BỘ VĂN HÓA PERU
Theo Bộ Văn hóa Peru, các phân tích sơ bộ cho thấy đó là một người trưởng thành, nhưng vẫn chưa rõ giới tính hay nguyên nhân cái chết.
Trong ngôi mộ còn có những vật tùy táng bao gồm các bình gốm, trong đó một chiếc trang trí bằng các họa tiết hình học và trừu tượng, một chiếc khác trang trí theo phong cách 3 màu hình học trên nền đỏ.
Với vị trí đặc biệt và đồ tùy táng được chế tác cẩn thận, khả năng cao đó là một nhân vật quan trọng, nhưng cụ thể như thế nào vẫn cần điều tra thêm.
Ngôi mộ được xác định thuộc về Văn hóa Ychsma, còn được gọi là Văn hóa Ichma, xuất hiện sau nền văn hóa đã xây dựng đại kim tự tháp - khoảng năm 1100 sau Công nguyên, khi đế chế lừng danh Wari sụp đổ.
Người dân thuộc Văn hóa Yschma nổi tiếng với việc trùng tu các kim tự tháp mà các nền văn hóa cổ xưa hơn để lại, bao gồm Đại kim tự tháp Huaca Pucllana.
Bình luận (0)