2 nghiên cứu liên tiếp của NASA đã giải mã sự thật về những thứ trông như ngọn tháp cao chọc trời, nhưng lờ mờ như những bóng ma mà Tàu trinh sát Quỹ đạo Sao Hỏa của cơ quan này đã phát hiện.
"Bóng ma" lờ mờ màu trắng chính là những ngọn tháp bụi cao hàng chục dặm được quan sát từ trên cao - ảnh: NASA
Trong những cơn bão bụi khủng khiếp nhất chìm toàn bộ hành tinh, những ngọn tháp cao hàng chục dặm này xuất hiện, như nối thẳng từ mặt đất lên bầu trời. Theo nhà nghiên cứu Nicholas Heavens từ Đại học Hampton (Mỹ) và NASA, người đứng đầu cả 2 nghiên cứu, các tháp bụi được làm mới liên tục trong nhiều tuần và mang tính chất giống các đám mây giông bão hình cây nấm mọc thẳng đứng trên trái đất, thứ có thể gây ra những cơn lốc xoáy, mưa đá, sấm sét kinh hoàng.
Các đám mây dạng đó phát triển lên cao vì chịu tác động của mặt trời, thứ làm ấm bầu khí quyển phía trên của trái đất và làm các hạt nước bay lên cao.
Ở Sao Hỏa hàng tỉ năm trước, những đám mây hình chọc trời có thể tương tự như trái đất, trở thành một "thang máy không gian" đưa các hạt nước từ bề mặt Sao Hỏa bay lên cao, để rồi bị bốc hơi mất vào không gian với số lượng lớn, bởi bầu khí quyển mong manh của Sao Hỏa không có khả năng gìn giữ nước tốt như trái đất.
Trước đây các nhà khoa học từng chứng minh Sao Hỏa sơ khai cũng là một hành tinh xanh với các hồ, sông, suối, đại dương. Những chiếc "thang máy lên trời" hoạt động mạnh mẽ trong hàng triệu, hàng tỉ năm có thể là nguyên nhân khiến nó bị mất nước và khô cằn như ngày nay.
Không còn nước, những đám mây chọc trời chỉ còn cuốn được bụi bặm lên không trung, biến thành hình hài của những ngọn tháp bụi lờ mờ như bóng ma mà chúng ta quan sát được ngày nay.
Các nghiên cứu vừa công bố trên 2 tạp khí khoa học Journal of Geophysical Reasearch và Journal of Atmospheric Sciences.
Bình luận (0)