Các nhà khoa học từ University College London (UCL, trường thành viên của Đại học London, Anh) đã theo dấu một mũi giáo 300.000 năm tuổi, lật lại lịch sử và giải mã thành công những bí ẩn xung quanh khả năng săn bắn như siêu nhân của các chiến binh Neanderthals.
Loài người đã tuyệt chủng là những thợ săn dũng cảm và thiện chiến - ảnh minh họa từ Internet
Neanderthals là một loài người cổ, đã tuyệt chủng khoảng 30.000 năm trước, sống trong các hang động mà các nhà khảo cổ nhiều lần tìm thấy dấu tích của các quái vật thời tiền sử bị họ săn bắt như voi ma mút, tê giác khổng lồ...
Trong nghiên cứu của UCL, họ phát hiện chỉ bằng những ngọn giáo, loài người chiến binh này có thể phóng trúng mục tiêu cách xa đến 20 m, giúp họ giữ khoảng cách an toàn với các con mồi to lớn. Những ngọn giáo họ sử dụng chủ yếu làm bằng gỗ và khá nặng, khoảng 760-800 g.
Khả năng đáng ngạc nhiên này không chỉ đến từ một thể lực có phần vượt trội hơn loài người hiện đại, như các nghiên cứu trước đó đã chứng minh, mà còn do bộ não đã phát triển theo hướng giúp họ trở thành những thợ săn thiện chiến, mà bằng chứng là ngọn giáo siêu việt họ đã chế tạo ra.
Các nhà nghiên cứu đã chế tạo những bản sao của ngọn giáo 300.000 năm tuổi và tuyển mộ 6 vận động viên phóng lao chuyên nghiệp để thử nó. Họ rất ngạc nhiên khi ngọn giáo cổ xưa này có thể bay xa gấp đôi khoảng cách dự kiến, nhờ thiết kế và chất liệu vô cùng ưu việt. Nó được làm từ những cây vân sam Na Uy.
Ngoài ra, công trình cũng cho thấy loài người cổ này thông minh hơn chúng ta tưởng: họ có chiến thuật săn bắn rất tinh vi chứ không phải đối diện các quái thú thời tiền sử trong các cuộc gặp bất ngờ và rủi ro.
Rất tiếc, loài người chiến binh cổ đại này đã biến mất ở châu Âu khoảng 40.000 năm trước và biến mất ở châu Á khoảng 30.000 năm trước, mà theo các nghiên cứu trước đó là do thiếu khả năng thích nghi với những thay đổi về môi trường. Họ là một trong những loài của chi Người đông đúc thời cổ đại. Đến nay, hầu hết các loài thuộc chi Người đã tuyệt chủng, chỉ còn một loài duy nhất sống sót là Homo Sapiens – người hiện đại chúng ta.
Bình luận (0)