Nghiên cứu được dẫn đầu bởi Đại học Cornell và Trung tâm Sinh học không gian Tây Ban Nha. Họ đã tìm được một lớp đất nông, giàu đất sét ở sa mạc Atacama thuộc Chile, chứa dạng sống kỳ thú. Sa mạc này được coi là "tử địa" của Trái Đất, nơi cực kỳ khô hạn cũng như thiếu hẳn nhiều điều kiện cần thiết cho sự sống.
Khoảng vài tấc dưới bề mặt Sao Hỏa có thể chứa lớp trầm tích quý giá chứa sinh vật ngoài hành tinh - Ảnh: NASA
Thế nhưng, trong lớp đất chỉ cách mặt đất chết chóc khoảng 30 cm, họ đã tìm thấy được ít nhất 30 loài vi sinh vật ưa muối, bao gồm những vi khuẩn cổ đại đã không thay đổi trong hàng tỉ năm.
Điều đặc biệt là Sao Hỏa chứa một lớp đất y hệt cũng nằm không sâu bên dưới bề mặt. Các nhà khoa học cho biết nếu chúng ta thử đào những rãnh cạn trên bề mặt hành tinh, chúng ta hoàn toàn có thể phát hiện được những sinh vật ngoài hành tinh đầu tiên trong lớp trầm tích quý giá đó.
Có thể chúng không còn sống, nhưng ít nhất đã từng sống trong khoảng 1 tỉ năm đầu được cho là thân thiện hơn của Sao Hỏa. Và cơ thể bé nhỏ của chúng có cơ hội được bảo quản tuyệt vời bởi đất sét là dạng trầm tích lưu giữ tốt nhất các hợp chất hữu cơ và dấu ấn sinh học. "Nếu ngày nay vi sinh vật vẫn còn tồn tại ở Trái Đất, có thể chúng vẫn đang yên nghỉ ở nơi đó trên Sao Hỏa" – giáo sư Alberto G. Fairén từ Đại học Cornell, nhận định.
Nghiên cứu nhằm định hướng cho các nhiệm vụ Sao Hỏa sắp tới. Có thể kể đến tàu Perseverance của NASA, dự kiến hạ cánh trên hành tinh đỏ vào tháng 2-2021; tàu thăm dò Rosalind Franklin của châu Âu sẽ đến vào năm 2023.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Nature Scientific Reports.
Bình luận (0)