Tại các bệnh viện, hằng ngày có rất nhiều rác y tế. Trong số đó, rác thủy tinh như vỏ ống thuốc, lọ thuốc, chai dịch truyền... là loại đặc biệt khó xử lý, nhiều nơi chỉ biết chất đống chứ chưa có cách xử lý. Riêng Bệnh viện Đa khoa huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, hằng tháng có khoảng 120 lít rác thủy tinh được thải ra. Trước đây, lượng rác này chưa có cách xử lý, chỉ đem bỏ ngoài môi trường khiến môi trường bị ô nhiễm và gây nguy hiểm cho sức khỏe con người.
Những tấm đan thành phẩm được tạo ra từ rác thải thủy tinh y tế. Ảnh: A.Hoàng
Tự chế máy nghiền rác thủy tinh
Bác sĩ Nguyễn Hiếu Hiệp, Giám đốc Bệnh viện huyện Thới Lai, đã tìm cách xử lý loại rác “cứng đầu” này. Khi mới về công tác tại bệnh viện, bác sĩ Hiệp đã cho xây dựng một lò đốt rác ở phía sau bệnh viện. Tuy nhiên, khi đốt rác, khói bụi, khí thải phát sinh gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của người dân xung quanh. Ngoài ra, là chi phí, đặc biệt là nhiên liệu, cho mỗi lần đốt rác khá cao nên cũng gây khó khăn cho việc xử lý. Loại rác thủy tinh cần phải được đốt ở nhiệt độ từ 8000 đến 1.0000C mới cháy được nhưng sau đó lại vón cục và vẫn không phân hủy được khi đưa ra môi trường.
Trong một lần thử nghiệm, bác sĩ Hiệp cho một số ống thủy tinh vào cối xay cá bột xay thử. Những ống này vỡ vụn thành từng mảnh nhỏ. Một ý tưởng lóe lên, bác sĩ Hiệp nghĩ ngay đến việc tận dụng các mảnh vỡ này để đúc thành những tấm đan lót đường - vừa có ích vừa không gây ô nhiễm môi trường. Nhưng để xử lý một lượng lớn rác, cần phải có máy to hơn và chuyên dụng, vì thế, bác sĩ Hiệp tìm đến các vựa ve chai để mua lại những thanh kim loại phù hợp, đem về chế tạo thành một chiếc máy nghiền. Sau khi cỗ máy hoàn thành, ông đem xay thử một lượng lớn rác thủy tinh của bệnh viện. Qua 2 lần xay, các hạt thủy tinh chỉ còn kích thước nhỏ như hạt cát, cỡ 1/4 mm3. Ông trộn thứ cát thủy tinh này với xi măng và vôi bột rồi đổ vào khuôn. Sau khi khô, hỗn hợp này tạo thành những tấm vật liệu rắn chắc có độ cứng rất cao. Ông đem những tấm vật liệu này làm những miếng lót đường đi, lót nền nhà kho của bệnh viện thì thấy rất phù hợp.
Chi phí thấp
Từ thành công ban đầu, bác sĩ Hiệp mạnh dạn ứng dụng vào thực tế xử lý rác thải tại bệnh viện. Từ cuối năm 2008, ông đã chỉ đạo bệnh viện hằng ngày phải thực hiện việc phân loại rác thải ngay từ đầu, để riêng các loại chai lọ thủy tinh với các loại rác thải khác. Với lượng rác thủy tinh thải ra là 120 lít hằng tháng, chỉ sau một giờ là chiếc máy nghiền tự chế của bác sĩ Hiệp đã có thể xay thành bột và cũng chỉ cần một người vận hành máy. Sau khi xay xong, bột sẽ được khử khuẩn, đem phối trộn rồi đúc thành những tấm đan hình vuông có kích thước 50 cm, bề dày 5 cm.
Ngoài ích lợi lớn nhất về mặt môi trường, phương pháp này còn giúp tiết kiệm chi phí xử lý rác thải rất nhiều cho bệnh viện. Với một lò đốt rác thủy tinh nhập từ Mỹ, giá mua khoảng 500 triệu đồng, có thể xử lý 1.000 lít thủy tinh trong vòng 10 giờ, tiêu tốn khoảng 30 KWh điện và 220 lít dầu diesel, chi phí phải bỏ ra cho lượng rác này là 3,33 triệu đồng. Đối với phương pháp của bác sĩ Hiệp, một chiếc máy tự chế tốn tổng cộng 4 triệu đồng (chưa tính công), kết cấu đơn giản, gọn nhẹ. Cũng với lượng rác như trên, chỉ cần khoảng 12 KWh điện, không dùng dầu diesel, chi phí khoảng hơn 12.000 đồng. Phương pháp này ưu việt hơn lò đốt ở chỗ tận dụng được rác thủy tinh để tạo ra được những tấm đan, ứng dụng trong đời sống. Hiện nay, chiếc máy này vẫn được dùng hằng ngày tại bệnh viện. Sau khi hoàn thiện sẽ nhận xử lý rác thủy tinh cho các cơ sở y tế khác trong và ngoài huyện.
Hiện bác sĩ Nguyễn Hiếu Hiệp vẫn tiếp tục phát triển công trình nghiên cứu này thành đề tài khoa học mang tên “Máy xử lý chất thải rắn y tế (nhóm thủy tinh)” và đang phối hợp với một doanh nghiệp cơ khí để hoàn thiện chiếc máy tự chế này.
Bình luận (0)