Một loại rác có giá
Tại Việt Nam, Vinamilk là đơn vị đầu tiên dùng hộp giấy tiệt trùng vào những năm 1994 cho sản phẩm sữa tươi tiệt trùng. Đến nay, có vô số sản phẩm đa dạng khác như sữa chua, sữa đậu nành, nước trái cây, trà... sử dụng các loại hộp giấy tiệt trùng. Theo nhà cung cấp bao bì Tetra Pak (cung cấp 80% sản phẩm đóng gói bằng hộp giấy cho thị trường Việt Nam), hộp giấy đóng gói này là sự kết dính của 3 loại nguyên liệu: giấy bìa chất lượng cao, lớp nhựa và lớp nhôm. Lớp giấy chiếm 74% trọng lượng, lớp nhựa 22%, lớp lá nhôm cực mỏng 4%. Hơn nữa, lớp giấy được sản xuất từ nguồn nguyên liệu thiên nhiên có thể tái sinh.
Qua 2 lần thử nghiệm tái chế vỏ hộp sữa bằng giấy này, ông Lê Trường Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Khải Đằng, cho biết: Từ 1 tấn nguyên liệu là vỏ hộp giấy, qua máy nghiền thủy lực, tách được 500 kg bột giấy và 500 kg màng nhựa, nhôm. Từ bột giấy, công ty sản xuất ra lõi cuộn chỉ dùng trong ngành dệt.
Các sợi giấy thu được sau khi tái chế có thể sử dụng làm nhiều sản phẩm giấy: túi, hộp giấy bìa, giấy vệ sinh, tập, hộp đựng trứng... Các chất nhựa, nhôm còn lại có thể dùng tạo ra các sản phẩm như nguyên liệu lợp mái, vật liệu xây dựng, đồ đạc... Tuy nhiên, băn khoăn của các nhà sản xuất vẫn là khâu nguyên liệu. Do việc phân loại rác từ nguồn chưa được đẩy mạnh nên người tiêu dùng đã vứt đi hộp sữa bằng giấy. |
Ông Vinh tính toán: Giá thành sản xuất từ vỏ hộp giấy (thu mua 1 triệu đồng/tấn hộp giấy) so với nguyên liệu mà công ty đang sử dụng tương đương nhau, nhưng chất lượng sản phẩm làm ra tăng lên 20% - 30% nhờ bột giấy tốt. 500 kg màng nhựa, nhôm có thể bán lại cho công ty sản xuất vật liệu xây dựng. Vừa qua, đã có công ty sản xuất vật liệu xây dựng đặt hàng hợp chất này và ra giá hẳn hoi. Với tính toán như vậy, ông Vinh dự định trang bị máy tối tân hơn tự động hóa quá trình tách giấy và nhựa, nhôm. Phần giấy thu được sẽ sản xuất lớp sóng trong bìa cạc-tông. Chất lượng giấy tốt sẽ giúp sản phẩm có chất lượng cao và mang lại hiệu quả kinh tế.
Ông Vinh cho biết thêm, vừa qua có khách hàng mở lời đặt sản xuất giấy từ vỏ hộp này với số lượng lên tới 18 tấn.
Nhu cầu đang tăng dần
Xí nghiệp Giấy Thuận An cũng đã thử nghiệm tái chế vỏ hộp sữa bằng giấy để sản xuất văn phòng phẩm như danh thiếp, bao thư, túi giấy... với số lượng nguyên liệu trên 10 tấn. Ông Liêu Kiên Cường, giám đốc marketing của xí nghiệp, cho biết: Loại giấy tái chế từ hộp sữa có màu sáng và đẹp hơn các loại giấy tái chế khác. Nhiều công ty rất thích làm danh thiếp, bao thư , túi giấy... trong giao dịch cho công ty mình bằng loại giấy này vì nhìn lạ mắt và cá tính.
Về lâu dài, xí nghiệp có hướng đầu tư để tái chế vỏ hộp sữa làm thùng cạc-tông đựng hộp sữa cho các nhà máy sữa. Qua 3 lần thử nghiệm, ông Cường đánh giá: Tái chế từ hộp sữa giấy đã sử dụng có lợi hơn vì giá thành nguyên liệu rẻ. Ngoài ra, 50% các chất nhựa, nhôm còn lại sẽ tiếp tục được sử dụng cho ngành vật liệu xây dựng.
Đề xuất mô hình quỹ tái chế chất thải Thống kê và dự toán sơ bộ của Công ty Môi trường đô thị TPHCM, mỗi ngày TPHCM có 5.229 tấn chất thải rắn sinh hoạt, mỗi năm tăng khoảng 40%. Đến năm 2010, mỗi năm TPHCM thải ra 23 triệu tấn chất thải rắn. Riêng rác chợ và rác thực phẩm, mỗi ngày TPHCM xả ra khoảng 4.300 tấn. Nhưng hiện nay, giải pháp duy nhất của TP là chôn lấp. “Rất cần có một quỹ tái chế”. Tiến sĩ Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học và nhiều đại biểu dự thảo luận về mô hình quỹ tái chế chất thải ở TPHCM ngày 20-6 đã có ý kiến như vậy. Các đại biểu cho rằng nhiều loại rác thải nguyên liệu, phế liệu của nước ta đã được Trung Quốc mua về, tái chế và bán lại với giá thành khá rẻ, chất lượng tốt. Đó cũng là lý do vì sao hàng Trung Quốc rẻ lại cạnh tranh được với nhiều mặt hàng trong nước. Tuy nhiên, hiện chưa có cơ chế nào cho quỹ tái chế hoạt động. Theo tác giả Huỳnh Thị Thu Hà, chủ nhiệm đề tài “Xây dựng mô hình và tổ chức hoạt động quỹ tái chế chất thải ở TPHCM”, quỹ tái chế có chức năng điều phối, quản lý, tổ chức thẩm định, giám sát, đề xuất các giải pháp chính sách nhằm khuyến khích tái sử dụng và tái chế chất thải. Nguồn vốn của quỹ này được thiết lập chủ yếu từ phí tái chế và phí thu gom. Quỹ này sẽ trực thuộc Sở Tài nguyên - Môi truờng. N. Mỹ |
Bình luận (0)