Theo Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ, đó là một thiên thạch nhỏ, chiều ngang chỉ khoảng 0,45 mét, đã đâm sầm vào bầu khí quyển Trái Đất vào ngày 8-1-2014 sau khi đi xuyên không gian với vận tốc hơn 210.000 km/giờ, một tốc độ vượt xa các thiên thạch khác.
Bởi lẽ, nó không như các thiên thạch khác mà là một vật thể "giữa các vì sao", tức một kẻ tấn công từ "hệ mặt trời" khác!
Ảnh đồ họa mô tả một quả cầu lửa lao vào bầu khí quyển Trái Đất - Ảnh: Vadim Sadovski
Theo Live Science, một nghiên cứu nhỏ vào năm 2019, được công bố trực tuyến trên arXiv, đã đưa ra giả thuyết này khi phân tích vận tốc và quỹ đạo của thiên thạch. Họ cho rằng nó có thể "từ trong sâu thẳm của một hệ sao hoặc một ngôi sao trong lớp đĩa dày của thiên hà Milky Way (thiên hà chứa Trái Đất)".
Tuy nhiên nghiên cứu chưa bao giờ được bình duyệt và xuất bản chính thức trên một tạp chí khoa học vì chính phủ Mỹ cho rằng còn cần một số dữ liệu khác để xác minh.
Nhưng giờ đây, các nhà khoa học từ Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ đã chính thức xác nhận phát hiện. Viết trên Twitter mới đây, Trung tướng John.E.Shaw, Phó Tư lệnh của USSC, cho biết phân tích năm 2019 về quả cầu lửa là "đủ chính xác để xác nhận quỹ đạo giữa các vì sao".
Như vậy, vật thể lạ này là "kẻ tấn công liên sao" đầu tiên xâm nhập thành công hệ Mặt Trời, trước cả Oumuamua - tiểu hành tinh hình điếu xì gà - tận 3 năm.
Nhà vật lý thiên văn Amir Siraj từ Đại học Harvard, tác giả chính của nghiên cứu năm 2019, cho biết ông vẫn có ý định xuất bản nghiên cứu ban đầu để các đồng nghiệp tiếp tục công việc.
Vì thiên thạch đã bị bầu khí quyển của chúng ta thiêu rụi trên Nam Thái Bình Dương, nên rất có thể các mảnh vỡ từ nó đã hạ cánh và vẫn đang ẩn mình dưới đáy biển.
Bình luận (0)