Theo các chuyên gia, trường hợp ô tô, xe máy bỗng dưng bốc cháy xuất phát từ quá trình sử dụng của người dùng với những nguy cơ tiềm ẩn mà nhiều người không nhận ra.
Nguyên nhân từ quá trình sử dụng
Với xe máy, việc chập điện thường xảy ra gần ống dẫn xăng. Khi đi vào vùng bị ngập nước sau đó mặc dù vẫn còn chạy được nhưng người dùng xe máy nên đưa đi kiểm tra lại hệ thống điện vì khi bị ngập nước về lâu dài tiềm ẩn nguy cơ dây điện bị ôxy hóa dẫn đến chập điện.
Với các trường hợp một số ô tô đang chạy tự nhiên bốc cháy xảy ra gần đây, theo TS Huỳnh Phước Sơn, giảng viên Khoa Cơ khí Động lực Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, nguyên nhân chủ yếu là do rò rỉ điện và xăng, như xe gắn máy. TS Huỳnh Phước Sơn lưu ý hiện nay có rất nhiều trường hợp người sử dụng ô tô đi “độ xe” để gắn thêm đèn, còi, màn hình, thiết bị âm thanh... làm thay đổi và gây ảnh hưởng đến hệ thống điện của xe. Nếu nơi “độ xe” không nghiên cứu kỹ và thay đổi hệ thống điện cho phù hợp thì sẽ rất dễ gây ra hiện tượng chập điện do quá tải dẫn đến phát sinh tia lửa điện gây cháy. Hiện tượng “độ xe” này hiện nay khá phổ biến và nếu không làm kỹ, chính xác thì khả năng gây cháy là khá cao.
Phải bảo dưỡng định kỳ
Ông Trương Quang Đô cho biết để tránh xảy ra tình trạng xe máy bốc cháy, điều quan trọng nhất là tuân thủ tuyệt đối chế độ bảo dưỡng định kỳ cho xe tại hãng theo như quy định của nhà sản xuất. Bảo dưỡng định kỳ là một khâu rất quan trọng giúp phát hiện những nguy cơ tiềm ẩn. Do đó, đừng sợ tốn tiền mà bỏ qua chu kỳ bảo dưỡng định kỳ vì nếu xe bị cháy thiệt hại lớn hơn rất nhiều. Người sử dụng trong quá trình vận hành xe cũng nên lưu ý đến những biểu hiện bất thường của xe như có mùi xăng bốc ra, thay mới bình ắc quy theo đúng thời gian quy định. Có thể tự mình kiểm tra các mối nối của hệ thống điện, xem hệ thống dây dẫn có bị ngấm nước hay không. Tuyệt đối không được tự thay đổi kết cấu hệ thống điện của xe hoặc đến những nơi “độ xe” kém chất lượng để thay đổi hệ thống điện của xe.
Với các xe đã quá cũ, nên thường xuyên kiểm tra và thay toàn bộ hệ thống dây điện. Khi xe có dấu hiệu bốc khói do chập điện thì nên nhanh chóng tắt máy xe, tìm cách ngắt nguồn điện cung cấp chính từ bình ắc quy ra để tránh phát sinh thêm tia lửa gây cháy.
Một số vụ nổ, cháy xe Ngoài vụ nổ xe Dream gần đây ở Bắc Ninh gây ra cái chết cho chị Nguyễn Thị Quỳnh và làm con gái chị bị thương nặng, thời gian qua cũng đã xảy ra nhiều vụ ô tô, xe máy đang di chuyển bỗng dưng bốc cháy. Cụ thể, vào khoảng 9 giờ 30 phút ngày 1-9, trong lúc chị Nguyễn Thị Dinh (SN 1993, ở xã Nghĩa Hòa, huyện Lạng Giang, Bắc Giang) đang điều khiển chiếc xe Attila BKS 98N8- 0828 trên đường Hùng Vương (TP Bắc Giang) thì bất ngờ chiếc xe bị bốc cháy. Chị Dinh đã kịp thời rời khỏi xe. Chỉ sau 30 phút chiếc xe Attila đã cháy rụi chỉ còn lại bộ khung. Khoảng 2 giờ ngày 27-10, tại Km 1426 thuộc đèo Lò Xo (đường Hồ Chí Minh, đoạn đi qua xã Đắk Man, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum), ô tô khách chất lượng cao biển số 48 K-0477 do Hồ Minh Phương (47 tuổi, trú tại xã Tân Sơn, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) điều khiển đã đột ngột tắt máy và bốc cháy. Mặc dù lái và phụ xe, với sự hỗ trợ của lực lượng CSGT tỉnh tại đèo Lò Xo nỗ lực dập lửa nhưng do gió to, ngọn lửa đã thiêu rụi hoàn toàn chiếc xe… Những vụ cháy này cũng như các vụ cháy khác hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân rõ ràng. |
Bình luận (0)