Nghiên cứu vừa công bố trên Astrophysical Journal Letters cho biết "bóng ma" là một đám mây khí đang giãn nở trong không gian, bản chất chính là tàn dư của một siêu tân tinh cực mạnh.
Siêu tân tinh chính là cú phát nổ sau cùng khi một ngôi sao chết đi, bắn tung vật chất vào không gian. Sau đó, các mảnh vụn của ngôi sao nổ sẽ trộn chung với vật chất từ các vì sao bị vụ nổ ảnh hưởng, tạo nên một đám mây khí bụi cực lớn.
Tàn dư siêu tân tinh tỏa sáng đỏ, nhưng là loại ánh sáng không thể quan sát bằng mắt thường - Ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
Science News cho biết thứ vừa được tìm thấy nằm trong chòm sao Antila nên được các nhà khoa học gọi là "tàn dư Antila". Tiến sĩ Robert Fesen từ Đại học Dartmouth (Mỹ), tác giả chính của nghiên cứu cho biết nó không phải cái lớn nhất trong không gian, nhưng ở khá gần chúng ta nên nếu quan sát từ Trái Đất, nó trở thành kỷ lục với kích thước khoảng 40 lần mặt trăng, gấp 3 lần so với "nhà vô địch" trước đó là tàn dư siêu tân tinh Vela.
Tuy nhiên, bạn không thể nhìn thấy một cách trực tiếp. Theo tiến sĩ John Raymond từ Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard-Smithsonian ở Cambridge (Anh), thành viên nhóm nghiên cứu, "bóng ma" được phát hiện từ năm 2002 dựa trên ánh sáng đỏ của các nguyên tử hydro cũng như sự phát xạ tia X, được "nhìn" bằng các loại kính thiên văn đặc biệt. Tuy nhiên thời điểm đó không có bằng chứng cho thấy nó là một siêu tân tinh.
Vì vậy, sau gần 2 thập kỷ, "bóng ma" được đem ra nghiên cứu lần nữa và người ta đã tìm thấy dấu hiệu quang phổ của sóng sung kích, cũng như ánh sáng đỏ từ các nguyên tử lưu huỳnh thiếu một điện tử, là các dấu hiệu rõ ràng của một tàn dư siêu tân tinh.
Ngôi sao phát nổ tạo ra siêu tân tinh Antlia ước tính đã nổ cách đây khoảng 100.000 năm. Kích thước và khoảng cách của nó vẫn chưa được xác định rõ: nếu cách chúng ta 1.000 năm ánh sáng, nó có chiều ngang khoảng 390 năm ánh sáng. Nếu nó xa gấp đôi, nó sẽ lớn gấp đôi. Nhưng dù thế nào đi nữa, nó cũng sẽ lớn hơn Vela (kích thước thật khoảng 100 năm ánh sáng) rất nhiều.
Bình luận (0)