Nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi tiến sĩ George Rieke từ Đài quan sát Steward và Phòng thí nghiệm Mặt trăng và hành tinh thuộc Đại học Arizona đã nghiên cứu "bóng ma vũ trụ" và công bố những kết quả bất ngờ.
Trích dẫn nghiên cứu, tờ Sci-News cho hay bản chất của nó là một ngôi sao non trẻ, mới 10 triệu năm tuổi mang tên HD166191.
Bóng ma vũ trụ kỳ dị thật ra là một hệ sao bao gồm một đám mây bụi lớn che khuất một ngôi sao non trẻ mới 10 triệu tuổi - Ảnh: NASA/JPL Caltech
Thứ tạo ra "bóng ma" kỳ dị và hỗn loạn bao quanh ngôi sao chính là tàn tích của một vụ va chạm của các "hạt giống hành tinh" - chính là các hành tinh thế hệ đầu của một hệ sao, sinh ra chỉ để đập vào nhau rồi vỡ tan, sau đó những mảnh vỡ này mới hòa trộn, kết tụ thành những hành tinh thực thụ.
Hiện tại, mảnh vỡ của các hạt giống hành tinh này vẫn đang tạo thành một đám mây bụi lớn và trong quá trình quan sát của Spizer, nó đi qua phía trước ngôi sao, tạo ra hình ảnh như một bóng ma mờ đục, không rõ hình thù.
Để tạo ra đám mây bụi lớn như vậy, các hạt giống hành tinh tham gia vụ va chạm phải có kích thước khá lớn, cỡ các hành tinh lùn như Vesta trong hệ Mặt Trời.
Tiến sĩ Kate Su từ Đài quan sát Steward thuộc Đại học Arizona, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết nhìn vào hệ sao trẻ nói trên cũng như một cách chúng ta nhìn ngược về quá khứ của chính hệ Mặt Trời, hiểu được cách các hành tinh đá như Trái Đất ra đời.
Bình luận (0)