Nhóm nghiên cứu đến từ Đài quan sát thiên văn vô tuyến quốc gia (NRAO) ở Virginia (Mỹ) và Đài quan sát thiên văn vô tuyến Nam Phi đã đơn cử một thiên hà kỳ lạ mang tên PKS 2014-55 để lý giải về những bức ảnh lạ lùng.
Theo dõi qua kính viễn vọng bình thường, PKS 2014-55 chỉ là một vết nhòe ánh sáng không thể nhận ra bằng mắt thường. Nhưng nếu quan sát nó bằng các bước sóng vô tuyến, vật thể này sẽ hiện ra dưới hình dạng một chữ X cực sáng và cực khổng lồ.
Cận cảnh thiên hà hình chữ X hiện ra trong ảnh chụp bằng thiết bị quan sát vô tuyến - ảnh: NRAO/SARAO
Nhìn kỹ hơn, vật thể chữ X giống như 2 chiếc boomerang hợp lại hơn vì có một khoảng cách nhỏ ở giữa. Theo nhà thiên văn học William Cotton của NRAO, "trái tim" của chữ X chính là lỗ đen "quái vật" trung tâm của thiên hà. 4 "cánh tay" của quái vật chính là 4 luồng phản lực cực mạnh được lỗ đen này phát ra, dài gấp 100 lần bề rộng của thiên hà chứa trái đất Milky Way.
Tình huống này xảy ra sau nhiều triệu năm lỗ đen "quái vật" hoành hành. Nó liên tục ngấu nghiến vật chất, để rồi đôi khi trong hàng tỉ năm tuổi đời, nó trải qua một "cơn khó tiêu" và thổi vật chất ngược trở lại không gian.
Quan sát kỹ bức ảnh chụp PKS 2014-55, người ta có thể thấy ngoài chữ X màu xanh còn có 2 chấm trắng bắt đầu xuất hiện ở trung tâm chữ X, cũng là trung tâm thiên hà. Chữ X khổng lồ chính là tàn dư của luồng vật chất bắn ra 10 triệu năm trước, trong khi 2 chấm trắng nhỏ sẽ trở thành 4 nhánh năng lượng mới bùng nổ từ thiên hà này trong tương lai.
Nếu nhìn kỹ xung quanh chữ X, chúng ta còn có thể thấy một lớp sáng mờ nhạt hơn – đó chính là tàn dư của một vụ phun trào khác, ước tính khoảng 100 triệu năm về trước.
Và thiên hà này không phải là vật thể duy nhất hiện ra với hình dạng chữ X khổng lồ và bí ẩn nhờ các đài quan sát vô tuyến.
Nghiên cứu vừa công bố trực tuyến trên arXiv.org và đã được phê duyệt cho số sắp tới của tạp chí khoa học Royal Astronomical Society.
Bình luận (0)