Đó là chuyến đi khứ hồi băng qua một đại dương nhanh nhất do một sinh vật biển lập nên.
"Đây là con cá đầu tiên được tìm thấy băng qua cả một đại dương và trở về cùng một địa điểm", trưởng nhóm nghiên cứu Ramón Bonfil từ Hiệp hội bảo tồn thiên nhiên cho biết. "Vận tốc mà nó duy trì trong chuyến đi là một trong những tốc độ đường dài nhanh nhất của các động vật biết bơi".
Tuy nhiên, vì những kỷ lục được ghi lại như vậy là rất hiếm hoi, nên người ta không rõ liệu con cá mập trắng này có những đối thủ đáng gờm trong Olympic các loài cá hay không.
Kỳ tích này cũng xác nhận mối liên hệ nghi ngờ lâu nay giữa hai quần thể cá mập quan trọng nhất thế giới và chứng tỏ cá mập trắng có thể dễ bị tổn thương hơn trước hoạt động đánh cá thương mại trên đại dương. Nó cũng cho thấy sự tinh thông đáng ngạc nhiên của chúng trong việc định hướng.
Tháng 11/2003, các nhà nghiên cứu gắn thẻ theo dõi qua vệ tinh cho một con cá mập trắng cái ở bờ biển Nam Phi. Hơn 99 ngày sau đó, qua hơn 10.000 kilomét, thẻ ngừng hoạt động gần Tây Australia, và truyền dữ liệu về chuyến đi của con vật, bao gồm hải trình, độ sâu và nhiệt độ nước. 6 tháng sau khi con vật đến Australia, người ta chụp ảnh được nó quay trở lại Nam Phi, nhận dạng nhờ vết khía trên vây.
Các nhà nghiên cứu phỏng đoán có hai lý do khiến nó thực hiện hành trình gian khổ như vậy: thức ăn hoặc ái tình. Khả năng thứ hai được xem là nhiều hơn, do thời điểm nó đến Australia trùng với mùa sinh sản ở vùng này. Nhưng giả thuyết cũng có lỗ hổng, vì "cô bé chưa đủ kích cỡ của một con cá trưởng thành, vì thế nó không thể sinh sản". Giả thuyết thức ăn cũng đuối lý vì cá mập không thiếu gì thức ăn ở Nam Phi, là hải cẩu và cá.
Có lẽ đó là một cuộc chạy đua tập dượt, "con vật có thể thực hiện hành trình như vậy trong suốt cuộc đời", Bonfil nói. Có thể con cá mập sinh ra ở Australia và có hành vi "về nhà tự nhiên" để trở về với nơi chôn rau cắt rốn. Hoặc vì việc giao phối cận huyết trong một quần thể có thể khiến suy giảm giống nòi, nên cá mập phải thực hiện những chuyến giao phối ở xa nhằm tăng cường bộ gene cho bầy.
Bình luận (0)