Nghiên cứu mới dẫn đầu bởi tiến sĩ Roy Smith từ Đại học Portsmouth (Anh) đã xem xét lại những hóa thạch được cho là cá mập cổ đại suốt vài thế kỷ gần đây, và phát hiện điều gây sốc: 3 con "cá mập" này đều mang những đặc điểm của khủng long, biết bay!
Cận cảnh dực long Anlaqua của Bắc Phi, được cho là loài anh em và có hình thái tương tự "quái vật" mới phát hiện - Ảnh: Davide Bonadonna
Cụm mẫu vật từ mỏ phốt phát hiện đang được cất giữ tại Bảo tàng Sedgwick của Cambridge và Bảo tàng Booth ở Brighton (Anh). Thực sự những mẫu vật rất giống vây gai cá mập, nhưng phân tích kỹ hơn cho thấy nó cũng gióng… xương hàm dực long, tức pterosaur, còn gọi là thằn lằn có cánh. Chúng là loài bò sát họ hàng của khủng long, sống vào cuối kỷ Phấn Trắng. Sự khác biệt vô cùng tinh vi, một trong số đó là những lỗ cực nhỏ nơi dây thần kinh trồi lên bề mặt nhằm giúp dực long nhạy cảm hơn khi bắt mồi. Gai vây cá mập không có đặc điểm này.
Phân tích ban đầu cho thấy các mảnh hóa thạch thuộc về 3 sinh vật, 2 con trong số đó là Ornithostoma, một loài dực long đã biết. Những mảnh còn lại mới đáng chú ý: chúng đại diện cho một loài hoàn toàn mới chưa từng xuất hiện trong hồ sơ khảo cổ.
Trong nghiên cứu được công bố trên Proceedings of the Geologists' Association lần này, tiến sĩ Smith và các cộng sự mới chỉ dừng lại ở việc trao trả thân phận dực long cho 3 "quái vật", cũng như xác định 1 trong số đó là loài mới.
Theo ông, để có thể hoàn thành phân loại hoàn chỉnh, sẽ cần đối chiếu thêm nhiều mẫu vật tương tự tại các bảo tàng khác, điều họ dự kiến làm khi dịch Covid-19 tạm ổn. Theo phân tích ban đầu, những người anh em của loài mới này có thể được tìm thấy khi khảo sát lại các mẫu vật dực long được tìm thấy ở Bắc Phi, cụ thể là một loài tên Alanqa mà các tác giả tin rằng có mối quan hệ gia đình với loài mới.
Loài dực long mới bí ẩn của Anh quốc cũng cho thấy đôi khi việc khảo sát lại những mẫu vật được tìm thấy trước đó bằng các kỹ thuật hiện đại hơn cũng giúp đem lại những kho báu mới.
Bình luận (0)