Các nhà cổ sinh vật học tìm được một bộ xương hóa thạch kỳ lạ trong lớp trầm tích biển cách bờ biển phía Thái Bình Dương của Peru 1 km. Bộ hài cốt có niên đại 40 triệu năm, thuộc về một sinh vật lạ dài đến 4 m.
Hình ảnh tái hiện cá voi 4 chân - ảnh đồ họa của A. Gennari
Qua quá trình phân tích, các nhà khoa học đã tái hiện một hình ảnh kỳ quái về loài vật mang hình dáng hơi giống một con cá sấu khổng lồ nhưng da trơn láng, 4 bàn chân có màng như chân vịt và có móng guốc. Miệng nó dài, nhọn với hàm răng sắc bén, sống lưỡng cư và săn mồi dưới nước. Đó là một con cá voi cổ đại.
Bộ xương hoàn chỉnh hiếm thấy này là bằng chứng rõ ràng về những vị tổ tiên từng sống trên bờ của cá voi, cá heo, những loài tuy gọi là "cá" nhưng thật ra là động vật có vú. Đặc biệt, trước đây, người ta từng cho rằng quê hương của những con cá voi 4 chân là Ấn Độ và Pakistan, nơi những dấu vết hóa thạch kém hoàn chỉnh hơn từng được phát hiện.
Sau một thời gian sống lưỡng cư, những con cá voi cổ đại đã quen với môi trường nước hơn và đủ sức di cư đến nơi xa như Bắc Phi và Bắc Mỹ. Bằng chứng mới cho thấy chúng đã tìm đến và sinh sống cả ở Nam Mỹ.
Hóa thạch được khai quật bởi một nhóm nghiên cứu cổ sinh vật học đến từ Peru, Pháp, Ý, Hà Lan, Bỉ. Tiến sĩ Olivier Lambert, làm việc tại Viện Khoa học Tự nhiên Hoàng gia Bỉ - một trong các tác giả của nghiên cứu, cho biết họ đã đặt tên con cá voi là Peregocetus pacificus, có nghĩa là "chú cá voi đã du lịch đến Thái Bình Dương.
Nghiên cứu này vừa công bố trên tạp chí khoa học Current Biology.
Bình luận (0)