Giấc ngủ bình thường
Tuy không “biết”, nhưng óc vẫn hoạt động. Người Pháp nói “Tìm sự cố vấn trong giấc ngủ”. Khi ta có vấn đề cần suy nghĩ, còn phân vân chưa giải quyết được thì sau giấc ngủ có khi ta nhìn thấy vấn đề rõ ràng hơn. Một số ý kiến sáng taọ, có thể nảy sinh sau giấc ngủ sau khi ta đã suy nghĩ tìm tòi trong nhiều ngày.
Khoa học về giấc ngủ còn mới mẻ. Khi ta ngủ, hoạt động của não bộ biến chuyển qua nhiều giai đoạn, theo chu kỳ, mỗi chu kỳ kéo dài từ 90 đến 120 phút. Độ sâu của giấc ngủ cũng thay đổi tùy từng giai đoạn.
Ta đều biết trẻ sơ sinh ngủ nhiều, đây là thời gian tồn trữ năng lượng để xây dựng cơ thể. Trẻ sơ sinh ngủ trên 18 giờ một ngày; thời gian này giảm dần, đến tuổi đi học, các cháu cần ngủ từ 9-11 giờ mỗi ngày. Giấc ngủ của thiếu niên bắt đầu chậm và kéo dài đến sáng, do đó ta thuờng thấy học sinh hay thức khuya và khó dạy sớm.
Nhu cầu ngủ thay đổi đối với mỗi người, thông thường ta cần ngủ chừng 8 giờ mỗi ngày. Ta vẫn quen nghĩ rằng người lớn tuổi ít ngủ, thực sự thời gian cần để ngủ của họ vẫn không thay đổi nhưng tính chất giấc ngủ của họ thay đổi. Họ buồn ngủ sớm hơn, giấc ngủ nông hơn họ dễ bị đánh thức bởi các thay đổi bên ngoài do đó họ thưòng dậy sớm, vì vậy họ bị thiếu ngủ và buồn ngủ ban ngày.
Nếu ngủ đầy đủ, buổi sáng dậy ta thấy khoẻ mạnh sảng khoái, tinh thần sáng suốt. Nếu thiếu ngủ, ta thấy mệt mỏi, dễ nhầm lẫn, trí nhớ kém, trở nên khó chiụ, cau có, năng suất làm việc kém, quan hệ với người chung quanh trở nên khó khăn.
Giấc ngủ cần thiết để giữ gìn sức khoẻ. Nếu ta không cho chuột trong phòng thí nghiệm được ngủ trong 4 tuần lễ liên tiếp, chúng sẽ chết, không chết vì kiệt sức mà chết vì nhiễm trùng trong máu. Như vậy thiếu ngủ làm giảm sức đề kháng, giảm hoạt động của hệ thống miễn dịch khiến chuột không chống lại được với sự xâm nhập của vi trùng.
Các bệnh thông thường về giấc ngủ
1- Mất ngủ. Có nhiều loại mất ngủ, có thể khó dỗ giấc ngủ, hoặc thức giấc nhiều lần trong đêm và khó ngủ lại, hoặc dậy sớm.
Mất ngủ có thể xảy ra đột ngột trong một vài ngày gọi là mất ngủ cấp tính. Loại này thường do một nguyên nhân đột xuất như bị đau nhức, gặp biến cố lớn như mất việc làm, mất người thân…
Mất ngủ mãn tính khi kéo dài nhiều ngày liên tiếp. Mất ngủ mãn tính có thể thứ phát do các nguyên nhân cơ thể như đau nhức vì tê thấp, khó thở vì suy tim, vì bị suyễn…hoặc do nguyên nhân tâm thần như bị trầm cảm, lo âu…
Mất ngủ thường có nguyên nhân nhưng sau khi không tìm thấy nguyên nhân ta gọi là mất ngủ nguyên phát.
Cách điều trị tốt là điều trị nguyên nhân, dùng thuốc để ngủ chỉ là biện pháp cuối cùng, cần hạn chế và dùng ngắn hạn.
2- Bệnh nghẹt thở ngáy: Nhiều người ngáy, một ít người ngáy và nghẹt thở khi ngủ. Trong trường hợp điển hình, người bệnh thường mập, họ ngủ được nhưng không cảm thấy khoẻ khi phải thức dậy vào buổi sáng; họ luôn luôn buồn ngủ và có thể ngủ gục dễ dàng.
Thân nhân, vợ hay chồng cho biết rằng người bệnh ngáy to, tiếng ngáy lớn dần cho đến khi người bệnh ngưng thở trong một thời gian ngắn, sau đó họ lại thở lại, ngáy lớn dần và cứ thế tiếp tục suốt đêm. Bề ngoài bệnh nhân có ngủ qua đêm nhưng giấc ngủ không sâu vì không thở được tốt, vì họ bị nghẹt mũi và cổ họng. Không khí đi qua đường hô hấp bị nghẹt phát ra tiếng ngáy. Sự trao đổi dưỡng khí và thán khí bị trở ngại: thán khí tăng trong máu, dưỡng khí giảm, gây hậu quả trên hệ thần kinh và các bộ phận. Do đó người bị nghẹt thở ngáy hay bị cao huyết áp, suy tim, và nhức đầu kinh niên.
3- Vọp bẻ (chuột rút) ban đêm: Một số người thường là phụ nữ có thể bị vọp bẻ ban đêm. Bắp thịt chân gồng cứng co thắt và đau, thường chỉ xảy ra ở một bên, khi chân này khi chân kia. Cần phải loại nguyên nhân cơ thể như rối loạn điện giải, thiếu nước, tiểu đường, bệnh mạch máu ngoại biên, bệnh thần kinh, thai kỳ… Sau khi đã loại bỏ các nguyên nhân cơ thể, có thể nhận là vọp bẻ nguyên phát. Bệnh vọp bẻ chân ban đêm nguyên phát chỉ cản trở giấc ngủ, không nguy hiểm, có thể điều trị bằng quinine sulsate.
4- Hội chứng "chân không nghỉ": Một số người có cảm giác tê, buồn đau… khó tả ở chân ban đêm khiến họ không thể nằm yên, phải luôn luôn cử động chân để đỡ khó chịu.
5- "Co giật chi chu kỳ": Bệnh nhân có từng đợt co giật chân tay khi ngủ, cũng là một nguyên ngân gây thiếu ngủ.
6- Cơn ngủ đột ngột (narcolepsy): Bệnh nhân không kiềm chế được cơn ngủ xảy đến ban ngày cản trở sinh hoạt, làm việc, có thể bị tai nạn lao động hoặc trong khi lái xe.
7- Hành vi bất thường trong khi ngủ (REM Behavior Disorder)
Làm sao để có giấc ngủ lành mạnh
1- Không uống trà, cà phê, không dùng các chất kích thích buổi chiều,
2- Không ăn quá no hay để bụng đói khi ngủ.
3- Không bàn các việc gay cấn, nói các chuyện buồn, buổi tối truớc khi đi ngủ.
4- Đi ngủ đúng giờ và dậy đúng giờ.
5- Phòng ngủ phải tối và yên lặng.
6- Nên để đồng hồ báo thức nếu cần dậy đúng giờ, nếu cần nhớ điều gì phải làm ngày hôm sau, hãy ghi xuống giấy để yên tâm ngủ.
7- Để dỗ giấc ngủ, hãy nghĩ đến những hình ảnh có màu xanh đen và yên lặng.
8- Chỉ dùng giường để ngủ, nếu không ngủ được hãy trở dậy, đi lại, làm việc cho đến khi buồn ngủ.
Bình luận (0)