Một hiện tượng kỳ lạ từ 43 vì sao tương tự mặt trời của chúng ta đã được các nhà khoa học Mỹ xác định. Đó là những vụ nổ năng lượng trông như các quả pháo sáng siêu cấp, mạnh hơn hàng ngàn lần so với ngọn lửa mặt trời. Có thể nói, đó là một dạng "siêu năng lực của các vì sao" mà hầu hết mọi ngôi sao đều sở hữu, bao gồm mặt trời.
Được mệnh danh là "pháo sáng siêu cấp", các vụ nổ năng lượng kinh hoàng từ các vì sao có thể đe dọa các hành tinh có nền văn minh xung quanh nó - ảnh đồ họa từ NASA/ESA
Thông thường, "siêu năng lực" này được các vì sao che giấu, giúp các hành tinh quay quanh nó có một thời kỳ bình yên dài lâu với nguồn năng lượng vừa đủ. Tuy nhiên, đến một lúc nào đó, ngôi sao sẽ trỗi dậy và cho cả thế giới biết sức mạnh của nó.
Nghiên cứu mới dẫn đầu bởi nhà thiên văn học Yuta Notsu từ Đại học Colorado Boulder (Mỹ) tính toán rằng mặt trời của chúng ta tuy là một ngôi sao già, ít thể hiện mình như các ngôi sao trẻ hơn nhưng cũng sẽ trỗi dậy theo chu kỳ vài nghìn năm.
Một vụ nổ năng lượng nhỏ từ mặt trời đã xảy ra vào năm 775 sau Công nguyên và ước tính trong vòng 100 năm tới hoặc lâu hơn một chút, mặt trời sẽ có một lần thể hiện siêu năng lực.
Được đặt biệt danh là "superflares » - những quả pháo sáng siêu cấp, vụ nổ năng lượng mà mặt trời và các ngôi sao tương tự nó tạo ra mạnh đến nỗi có thể phá vỡ mạng lưới điện, hệ thống viễn thông cùng các thiết bị, vệ tinh liên quan, gây ra sự cố toàn cầu nặng nề cho các hành tinh có nền văn minh như trái đất.
Theo các tác giả, mặt trời từng giáng xuống các hành tinh của nó những quả đấm năng lượng mạnh mẽ hơn và thường xuyên hơn. Rất may là lần cuối cùng nó thể hiện "siêu năng lực của các vì sao", trái đất chưa có hệ thống điện và viễn thông hiện đại như ngày nay.
Phát hiện trên cho thấy trong tương lai, chúng ta cần nghĩ ra nhiều phương án để bảo vệ hệ thống điện – viễn thông, bởi ngày nay con người đã quá phụ thuộc vào chúng. Việc 2 hệ thống này bị gián đoạn có thể gây thảm họa toàn cầu.
Nghiên cứu sử dụng dữ liệu từ Kính viễn vọng không gian Kepler của NASA, tàu vũ trụ Gaia của ESA (Cơ quan Vũ trụ Châu Âu) và Đài thiên văn Apache Point ở New Mexico. Công trình vừa được trình bày tại cuộc họp lần thứ 234 của Hiệp hội Thiên văn học Mỹ diễn ra tại St. Louis.
Bình luận (0)