Theo đề nghị của Mỹ tại hội nghị thường niên ở New Orleans, Uỷ ban Quốc tế về Bảo tồn Cá ngừ Đại Tây Dương (ICCAT) đã soạn thảo Hiệp ước cấm lấy vây cá mập. Ngư dân thường lấy vây cá mập bằng cách cắt vây và ném xác cá xuống biển. Vây cá mập là một món ăn ngon tại các nước châu Á nên có giá rất cao. Tại Singapore, súp vây cá mập được bán với giá hơn 100 đôla/suất.
Sonja Fordham, chuyên gia bảo tồn cá mập thuộc Nhóm Bảo vệ Đại dương, cho biết: ''Đây là hiệp ước quốc tế cấm đánh bắt cá mập lấy vây đầu tiên trên thế giới. Do vậy, nó là bước tiến bảo tồn quan trọng và giới bảo vệ môi trường rất biết ơn Mỹ về đề xuất đó''. Với 63 quốc gia thành viên, ICCAT nhất trí thu thập nhiều dữ liệu hơn về lượng cá mập bị đánh bắt và xác định các vùng sinh sản của chúng. Mỹ cũng kêu gọi giảm số tàu thuyền săn cá mập song ICCAT không đồng ý.
Theo LHQ, mỗi năm có hơn 100 triệu con cá mập bị giết. Theo nghiên cứu do các nhà hải dương học thuộc ĐH Dalhousie tiến hành vào năm ngoái, khoảng 90% các loài cá lớn trên thế giới, trong đó có cá mập, đã biến mất kể từ năm 1950. Cá mập sinh trưởng chậm nên phải mất nhiều thập kỷ mới có thể phục hồi số lượng. Hiện chỉ có vài hạn chế quốc tế về đánh bắt và buôn bán cá mập. Mỹ đã cấm đánh bắt cá mập lấy vây tại Đại Tây Dương vào năm 1993 và Thái Bình Dương năm 2002.
ICCAT theo dõi chặt chẽ sản lượng đánh bắt. Nhờ có hạn ngạch được áp đặt năm 1991 mà số lượng cá mũi kiếm chỉ mất 4 năm để phục hồi. Các quan chức và nhà bảo tồn dự định sẽ gây áp lực để các tổ chức quản lý những vùng khác trên thế giới cũng áp đặt các biện pháp tương tự. Fordham cho biết, Hàn Quốc là nước duy nhất phản đối lệnh cấm đánh bắt cá mập lấy vây. Nước này có 6 tháng để xem xét liệu có ký hiệp ước hay không.
Bình luận (0)