Dự án được nghiên cứu bởi nhà khoa học John Rogers và các đồng nghiệp tại Trường Đại học Illinois, tạo nên một camera bao gồm 180 lăng kính siêu nhỏ, sắp xếp thành một bán cầu, hình thành một góc nhìn rộng đến 160 độ và có khả năng tập trung vào nhiều mục tiêu, với các tiêu cự khác nhau.
Khả năng này tương tự với cấu tạo mắt phức hợp ở nhiều loại côn trùng, cho phép chúng có tầm nhìn bao quát rộng và khả năng điều chỉnh tiêu cự linh hoạt, một lợi thế rất cần thiết khi chúng đang bay trên không với tốc độ cao.
Dựa theo cấu tạo mắt ong và ruồi, các nhà khoa học đã chế tạo một camera bao gồm 180 lăng kính siêu nhỏ
Mắt người vốn chỉ có cấu tạo một thấu kính duy nhất - cấu tạo được “sao chép” để chế tạo nên hầu hết các loại máy ảnh hiện đại. Máy ảnh phức hợp bắt chước các tính chất ưu việt của mắt côn trùng. Nhà nghiên cứu John Rogers cho biết hiện mẫu thử nghiệm này chỉ có độ phân giải ngang với mắt của kiến hay bọ cánh cứng. Tuy nhiên, John Rogers tin rằng sẽ chế tạo ra các camera thương mại có độ phân giải ngang với mắt chuồn chuồn hoặc thậm chí hơn, có thể sử dụng trong an ninh và y tế.
Hai nhà nghiên cứu Alexander Borst và Johannes Plett thuộc Viện Thần kinh Sinh học Max-Planck - Đức đề nghị dùng camera này cho các loại máy bay robot siêu nhỏ. Những loại robot này rất có ích cho công tác thu thập thông tin cho việc cứu nạn, kết hợp với những cảm biến khác nhau để có thể hoạt động trong điều kiện khí độc hay phóng xạ, kết hợp cảm biến để tìm người bị nạn kẹt dưới các đống đổ nát.
Bình luận (0)