"Cánh đồng thủy nhiệt quái vật" là cụm từ mà Science Alert mô tả về những tiết lộ kinh ngạc trong nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Lehigh và Viện Hải dương học Woods Hole (WHOI) - Mỹ.
Trong dữ liệu thu thập bởi thiết bị AUV Sentry của WHOI, một cánh đồng thủy nhiệt to ngoài sức tưởng tượng đã hiện ra ở vùng nước sâu đến 2.560 m, cực kỳ tối tăm giữa vùng biển Đông Thái Bình Dương.
Robot tự hành đang nghiên cứu "cánh đồng thủy nhiệt quái vật" - Ảnh: WHOI
Cánh đồng thủy nhiệt này đạt tầm "quái vật" bởi hệ thống thủy nhiệt ở đây trải trên một diện tích rất rộng với những ngọn tháp khổng lồ, cao tới 3 tầng.
Ban đầu các nhà khoa học nghĩ các lỗ thủy nhiệt đã "chết", nhưng rồi khi xem kỹ các hoạt động, họ thấy nó không những vẫn hoạt động mà hoạt động rất mạnh, nóng hơn bất cứ hệ thống thủy nhiệt nào được nghiên cứu trong khu vực suốt 30 năm qua. Chín lỗ thông hơi được lấy mẫu cho thấy nhiệt độ lên tới 368 độ C.
Đây là một phát hiện vô cùng hấp dẫn, bởi hệ sinh thái quanh hệ thống thủy nhiệt là một trong những dạng quần thể phong phú và kỳ lạ nhất trên Trái Đất.
Dù vùng nước ở độ sâu mà con người không thể lặn tới ấy rất lạnh, nhưng hệ thống thủy nhiệt đã cung cấp một môi trường phù hợp để nhiều loài sinh vật khác nhau sinh tồn quanh nó. Chưa kể, hệ thống thủy nhiệt giải phóng từ lòng đất sâu nhiều vật liệu cần thiết cho sự sống.
Các nghiên cứu về Trái Đất sơ khai cho thấy hệ thống thủy nhiệt dưới đáy các đại dương, đặc biệt là Thái Bình Dương, có thể chính là nơi khởi nguồn cho những sinh vật đầu tiên.
Hệ thống thủy nhiệt cũng là nơi mà các cơ quan vũ trụ, các nhà khoa học hành tinh nhắm vào khi tìm kiếm sinh vật ngoài Trái Đất. Một số thiên thể, ví dụ như mặt trăng băng giá Enceladus của Sao Thổ, được cho là sở hữu đại dương ngầm dưới vỏ băng. Dưới đáy đại dương là các hệ thống thủy nhiệt tương tự Trái Đất, nơi sinh vật đang trú ẩn.
Do đó, những "cánh đồng thủy nhiệt" ngay trên Trái Đất chính là tấm gương thú vị để các nhà khoa học "soi" vào, từ đó thiết kế ra những chiến lược phù hợp để truy tìm sự sống phát sinh từ một mô hình tương tự ở hành tinh khác.
Đối với một hành tinh, hệ thống thủy nhiệt còn là "mạch sống" của đại dương, nơi chúng cung cấp một hệ thống vận chuyển liên tục giúp điều chỉnh nhiệt độ và thành phần hóa học của đại dương.
Tuy nhiên vì hệ thống thủy nhiệt luôn nằm ở đáy đại dương, chỉ có thể nghiên cứu bằng các thiết bị điều khiển từ xa, nên các nhà khoa học vẫn cho rằng hiểu biết của nhân loại về hệ thống thủy nhiệt vẫn còn hạn chế.
Với cánh đồng thủy nhiệt vừa phát hiện, các nhà khoa học đang nỗ lực để lập bản đồ khu vực. Các dữ liệu sơ bộ cho thấy kích thước toàn cánh đồng tương đương với một sân bóng đá, với các đường đứt gãy cho thấy nó được kiểm soát bởi hoạt động kiến tạo.
Nghiên cứu sơ bộ vừa được công bố trên tạp chí khoa học PNAS.
Bình luận (0)