Hằng ngày, nông dân vẫn đang tiếp xúc với những nguồn độc hại cho sức khỏe và môi trường trong quá trình lao động, sản xuất, đặc biệt là thuốc bảo vệ thực vật (còn gọi là thuốc trừ sâu).
Sử dụng thuốc diệt cỏ để ngâm rau muống
Điều đáng lo ngại là việc sử dụng thuốc trừ sâu thiếu ý thức của nông dân vẫn còn rất phổ biến. Đó là việc phun thuốc trừ sâu trên rau vào buổi sáng và thu hoạch vào buổi chiều để đem ra chợ bán không phải là hiếm (theo khuyến cáo của FAO-Tổ chức Lương Nông Thế giới, không phun thuốc trừ sâu trên rau quả ít nhất 5 ngày trước khi thu hoạch). Thậm chí, theo phản ánh của bác Lưu Sĩ Phong, cựu cán bộ giảng dạy Đại học Nông nghiệp Hà Nội, có những hộ nông dân trồng rau muống đã sử dụng cả thuốc diệt cỏ 2,4-D để ngâm rau muống đã hái về chuẩn bị đem bán. Sau một đêm rau muống mọc dài thêm 2 cm ở phần ngọn, xanh mướt, nhìn rất bắt mắt! Nông dân không hề biết 2,4-D là loại thuốc diệt cỏ rất hiệu quả và có khả năng gây ung thư gan, lá lách. Đây là loại thuốc nằm trong danh sách cấm sử dụng tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới.
Ngâm hóa chất để trái cây lâu hư
Chị Trần Thị Non Nước, ngụ tại quận 9, cho biết trước đây chị công tác ở một công ty thuốc bảo vệ thực vật của quận. Nhiệm vụ của chị là xuất hàng từ kho thuốc của công ty. Thời gian đó, công ty bán kèm thuốc diệt cỏ 2,4-D cho nông dân (mua bất cứ sản phẩm nào đều bán kèm 0,5 kg thuốc 2,4-D). Chị đứng xúc thuốc và bụi thuốc bay khắp nơi trong kho. Đêm về cổ họng chị đắng nghét. Sau này chị nghỉ việc và đổi sang trồng rau, nuôi cá, bán trái cây... Chị cũng xác nhận rằng nông dân phun xịt rất nhiều loại thuốc để rau có bề ngoài đẹp mắt cho dễ bán. Chị cho biết thêm: Hiện nay tại một số vựa trái cây, người bán cũng ngâm và xử lý bằng nhiều hóa chất không rõ là chất gì để làm cho trái lâu hư, căng tròn, như xử lý chuối già, chuối sứ. Bản thân chị thì đang bị nổi hạch chùm khắp cơ thể từ mấy năm gần đây và thường xuyên đau nhức. Số lượng hạch tăng dần theo thời gian và đi khám vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Thử hình dung rằng các loại rau quả còn dư lượng thuốc trừ sâu rất nhiều kia được tiêu thụ thì hậu quả lâu dài đến sức khỏe người tiêu dùng sẽ như thế nào? Các nhà quản lý cần nâng cao nhận thức và thắt chặt các quy định về tồn trữ và sử dụng thuốc trừ sâu cho cộng đồng.
Qua tập huấn, hiểu rõ sự nguy hại Nhận thức được mức độ nguy hiểm vấn đề này, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã tiến hành tập huấn về vấn đề bảo vệ môi trường trong hoạt động nông nghiệp cho Hội Nông dân của 10 quận, huyện trong TP, gồm: Thủ Đức, Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ, quận 2, 9, 7. Nội dung tập huấn chú trọng về sử dụng an toàn thuốc trừ sâu và ảnh hưởng của thuốc trừ sâu đến môi trường và sức khỏe. Những hành vi nguy hiểm cho sức khỏe, như tồn trữ thuốc trừ sâu chung với khu sinh hoạt của gia đình; dùng miệng để thổi thông nắp bình xịt; hút thuốc hoặc ăn uống trong khi xịt thuốc trừ sâu; xịt thuốc trong khi đang có gió lớn; xịt thuốc gần những khu vực nhạy cảm (nguồn nước, khu vực có trẻ em, người già; khu vực nuôi gia súc...) đều được các học viên tham gia khóa học xác nhận rằng vẫn thường làm mà không biết như thế là nguy hiểm cho sức khỏe và môi trường. |
Bình luận (0)