icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chết hơn 70 năm mà như còn sống

Theo TT&VH

Theo hãng tin Interfax, hiện các nhà khoa học vẫn chưa giải thích được hiện tượng một Lạt Ma đã chết cách đây 77 năm mà thi thể của ông vẫn còn nguyên vẹn với thịt da còn mềm, một điều chưa từng thấy từ trước tới nay

Lạt Ma Itigilov qua đời như thế nào?

Tự viện Phật giáo ở Ivolginsk nằm bên rìa một hoang mạc cằn cỗi của khu tự trị Buryati, đâu đó giữa vùng hồ Baikal và biên giới Mông Cổ. Tuy chỉ cách thủ phủ Ulan-Ude có 22 dặm nhưng ít ai đặt chân tới đây ngoài những môn sinh hoặc người sùng đạo Phật có việc lên tự viện. 1927 là năm có nhiều khổ nạn ở Nga. Cuộc nội chiến tang tóc kéo theo muôn hệ quả chẳng lành đối với những người theo chân các Lạt Ma và chi đạo Phật từ Tây Tạng. Hằng trăm nhà sư, 46 tự viện bị biến thành cát bụi. Tương truyền một hôm Trưởng thượng Dashi-Dorzho Itigilov tụ họp các môn đệ tại tự viện, khuyên họ nên làm gì trong buổi loạn lạc. Nói xong, ông an nhiên tọa thiền rồi băng. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, ông tụng hồi kinh dã biệt rồi nói với các học trò của mình: “30 năm nữa hãy quay lại viếng nhục thân của ta”.

Đúng 30 năm sau, năm 1957, thời của Stalin đã qua, một số tự viện trong đó có ngôi chùa ở Ivolginsky được trùng tu lại. Các nhà sư còn sống sót sau chiến tranh không quên lời thầy mình. Họ quay trở lại nghĩa trang Khukhe-Zurkhen và lập lễ cải táng. Trước cặp mắt kinh ngạc của nhiều nhân chứng, nhục thể của Itigilov vẫn nguyên trong thế tọa thiền trên tòa sen, không mảy may dấu hiệu phân hủy với thời gian!

“Thời đó không thể làm khác" - vị Lạt Ma thứ 25 đang trị vì hồi ấy, Damba Ayusheyev kể lại. "Chúng tôi phải kín tiếng và cũng không được phép đưa nhục thể của Ngài vào tự viện". Người ta đành phải đào một nấm mồ khuyết danh để đưa Itigilov trở về với cát bụi trong một quan tài gỗ đơn giản có rắc muối. Cũng nên biết là Đức Lạt Ma tối cao Tây Tạng mới được coi là tái sinh của Lạt Ma tiền nhiệm, còn chức Lạt Ma Pandito Hambo như Itigilov chỉ được phép tại vị ngắn hạn chứ không đăng quang trọn đời.

Hai bàn tay còn mềm mại cử động được

Thời gian qua đi, nhưng sự kiện phi thường nọ không phai trong trí nhớ của các môn đệ. Một vị Lạt Ma trẻ tuổi tên là Bimba Dorzhiyev quyết tâm lần bước theo huyền thoại Itigilov. Ông cất công tìm ra được một nhân chứng đã 88 tuổi. Cụ Amgalan Dabayev kể lại rằng ông đã cùng cha dượng của mình có mặt tại lễ cải táng hồi xưa và tận mục sở thị nhũng gì được truyền lại đến hôm nay. Cụ Dabayev đưa mọi người đến nấm mộ không mang một dòng chữ đánh dấu. Và tháng 9-2002, 75 năm sau khi Lạt Ma Itigilov qua đời, nhục thân của ông lại được đưa ra khỏi lòng đất lần nữa. Lần này hàng chục nhân chứng, trong đó có nhiều nhà khoa học, có mặt. Ngoài ra còn có hai chuyên viên pháp y và một thợ chụp ảnh ghi lại đầy đủ buổi lễ.

"Đối với tôi, đó là phép mầu lớn nhất trong cuộc đời"- Lạt Ma Ayusheyev, Trưởng thượng tự viện Ivolginsk từ 1995 thốt lên. Các Lạt Ma tự tay bật nắp quan tài đã cẩn thận đeo khẩu trang dành cho bác sĩ ngoại khoa, song mọi sự cẩn trọng đều thừa: cơ thể của Itigilov, chào đời từ năm 1852 ở nước Nga dưới thời Sa hoàng, vẫn hoàn toàn nguyên vẹn như xưa. Lễ cải táng trở thành một lễ rước nhục thể của Itigilov về tự viện trong nghi lễ nghiêm trang. Từ đó trở đi nhục thể của Lạt Ma Itigilov tọa trên lầu ba của một trong bốn ngôi tháp của tự viện, sau những tấm màn dày và cánh cửa khóa chặt. Chỉ có các Lạt Ma mới được phép nhìn thấy nhục thân của Ngài. Trước cửa phòng, 150 học trò ngày đêm canh gác và cầu nguyện.

Tuy nhiên Lạt Ma Ayusheyev đã cho phép phóng viên của tờ New York Times vào chốn thâm cung. Trong bài báo của mình đăng trên New York Times, nhà báo nọ thuật lại Itigilov "ngồi trên một chiếc bàn gỗ đơn sơ xung quanh ông là các ngọn nến và đĩa kim loại đựng dầu thắp sáng. Các nhà sư đã quàng lên người ông một tấm y vàng, và một dải lụa xanh lam. Mắt Ngài nhắm nghiền, nét mặt có vẻ không được sắc như xưa, nhưng khuôn mặt và mũi rất giống hình chụp từ năm 1913. Hai bàn tay còn mềm mại cử động được, móng tay tỉa gọt tử tế. Làn da tuy có đanh lại nhưng vẫn mềm. Trên đầu là mái tóc cắt ngắn".

Đi tìm lời lý giải

Từ đó đến nay, nhiều nhà nghiên cứu đã tìm cách lý giải hiện tượng kỳ lạ này. Các nhà khoa học cố giải thích bằng những kiến thức đã học của mình. Theo V. Kozeltsev, chuyên gia của Trung tâm Công nghệ Sinh - Y học từng tham gia bảo tồn thi hài Lenin từ năm 1924 ở Quảng trường Đỏ thì muối trong quan tài hay thành phần đặc biệt của đất quanh mộ cũng có tác dụng làm chậm quá trình phân hủy, hoặc bản thân cơ thể Itigilov có một loại gien khuyết với tác động tương tự.

Phải chăng người ta chưa phát hiện được hết các kỹ năng ướp xác ngày xưa (?). Và gần đây một cuộc khảo cứu quy mô đã đem lại kết quả đáng kinh ngạc: Thành phần hợp chất hữu cơ trong các mô của thi thể Itigilov không khác gì so với người đang sống. Máu trong huyết quản thậm chí vẫn còn nguyên, nó chuyển hóa sang dạng sệt chứ không khô đi. Kết luận quan trọng nhất là người ta không nhận ra dấu vết gì của hóa chất hay kỹ thuật ướp xác!

Theo Lạt Ma Ayusheyev, không có lý do gì huyền bí trong hiện tượng này, ngoài sức mạnh của đức tin đã giúp Iligilov nhờ thiền định mà thăng hoa lên tới giai tầng tối cao của sự tồn tại mà trong ngôn ngữ nhà Phật gọi là shunyata (Tịnh Không) (?!).

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo