Các nhà khoa học từ Đại học Cambridge và Oxford (Anh) đã phát hiện ra một dạng hóa thạch kỳ dị nhất thế gian được cất giấu dưới đáy đại dương. Đó là những "quái vật" sinh tồn trên trái đất tận 570 triệu năm về trước, không miệng, không nội tạng và kết nối với nhau thành một mạng lưới bằng thứ tua kỳ lạ trông như tơ hoặc chỉ cực mảnh.
Các nhà khảo cổ đang khai quật hóa thạch kỳ lạ từ mảng đáy đại dương cổ đại - ảnh: ALEX LIU
Tuy những "quái vật" này rất nhỏ bé, nhưng những sợi tua có khi dài tới 4 m, trong khi một số tua chỉ ngắn vài tấc. Tua đặc biệt này hiện diện trên tận 7 loài khác nhau, được khai quật tại nhiều địa điểm hóa thạch ở Canada, trong đó 5 địa điểm tập trung nhiều hóa thạch nhất nằm ở Newfoundland.
Đặc biệt hơn, các tua này đóng vai trò như… mạng xã hội, được sử dụng trong mục đích chia sẻ chất dinh dưỡng, thông tin liên lạc và cả sinh sản. Như nhiều sinh vật sơ khai khác, chúng sinh sản kiểu nhân bản vô tính.
Cận cảnh hóa thạch đàn quái vật nối nhau bằng tơ - ảnh: ALEX LIU
Những sợi tơ này còn giúp đàn "quái vật" chống lại các dòng hải lưu mạnh của đại dương cổ đại.
"Những sinh vật này đã nhanh chóng xâm chiếm đáy biển và chiếm ưu thế trong hệ hóa thạch ở những địa điểm này, và những sợi tơ mảnh này giải thích cách chúng làm điều đó" – nhà khoa học Alex Liu, Khoa Khoa học trái đất, Đại học Cambridge, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.
Và cho dù rất mảnh, hóa thạch những sợi tơ này đã được bảo tồn hoàn hảo đến đáng ngạc nhiên tại các điểm hóa thạch nói trên, theo đồng tác giả Frankia Dunn từ Bảo tàng Lịch sử tự nhiên thuộc Đại học Oxford. Rất có thể dạng "mạng xã hội" này phổ biến khắp trái đất cổ đại, nhưng vì những sợi tơ này quá mảnh, chúng đã bị lịch sử tự nhiên phá hủy nên trước đây giới khoa học chưa thể tìm thấy một mẫu vật nào tương tự.
Bình luận (0)