Vật thể lạ đó là một ngôi sao nhưng không giống bất kỳ ngôi sao nào khác từng được tìm thấy trong vũ trụ. Khi phân tích vật thể lạ lùng và mờ ảo này, các nhà khoa học đã xác định được 65 nguyên tố riêng biệt, kỷ lục về số nguyên tố được tìm thấy ở một ngôi sao và hầu hết đều là nguyên tố nặng ở cuối bảng tuần hoàn, lẽ ra không nên xuất hiện ở một ngôi sao "còn sống".
Ngôi sao bí ẩn HD 222925 rực sáng trên nền trời - Ảnh: STScI
Theo Science Alert, nhiều lý thuyết thiên văn lẫn bằng chứng khoa học xác thực đã cho thấy các nguyên tố nặng như vàng, bạch kim, uranium... chỉ có thể hình thành trong các sự kiện bùng nổ như siêu tân tinh hoặc sáp nhập sao neutron, gọi là "quá trình bắt neuron nhanh".
Sao neutron là một dạng "thây ma" của các ngôi sao khổng lồ đã chết; siêu tân tinh ám chỉ vụ nổ của các "thây ma" như sao neutron hay sao lùn trắng. Nói cách khác, các nguyên tố nặng trong vũ trụ là thứ ra đời từ cõi chết.
Nhưng HD 222925 rõ ràng là một ngôi sao lớn còn sống! Nó khoảng 8,2 tỉ tuổi và cách chúng ta 1.460 năm ánh sáng.
Theo nhà thiên văn Ia Roederer từ Đại học Michigan - Mỹ, thành viên nhóm nghiên cứu, các nguyên tố chiếm lĩnh vật thể lạ này nằm ở 2/3 dưới cùng của bảng tuần hoàn. Do đó, họ đã nỗ lực tìm hiểu cách ngôi sao hình thành, địa điểm và thời gian mà các nguyên tố được tạo ra.
Giải thích khả dĩ nhất là nó đã sinh ra từ "địa ngục quái vật" của vũ trụ, tức đám mây phân tử hình thành nó vừa trải qua những vụ nổ khổng lồ do siêu tân tinh vào sao neutron.
Các nguyên tố nặng từ cái chết thảm khốc của các "quái vật" nói trên đã bắn tung khắp đám mây phân tử chứa hydro và heli, HD 222925 vô tình đang thành hình hoặc thành hình ngay khi các nguyên tố từ cõi chết còn lởn vởn quanh nó, vì vậy đã có thành phần đa dạng thay vì chủ yếu là hydro và heli như các ngôi sao khác.
Teho nhà vật lý Anna Frebel từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT - Mỹ), thành viên nhóm nghiên cứu, vật thể lạ lùng này còn có giá trị giúp các nhà khoa học "quay ngược thời gian", tìm hiểu về các sự kiện giả thuyết mà đến nay vẫn hiếm có bằng chứng cụ thể, như vụ nổ sao neutron hoặc siêu tân tinh làm bắn tung các nguyên tố nặng.
Nghiên cứu vừa công bố trực tuyến trên arXiv và sắp được xuất bản chính thức trên The Astrophysical Journal Supplement Series.
Bình luận (0)