Hơn 1 triệu người Mỹ mắc phải tình trạng lạ lùng này, và hầu hết họ là phụ nữ. Các bác sĩ gần như chắc chắn rằng gene, chứ không phải đói bụng, đã kích thích họ làm điều đó. Trong trường hợp của Koechler, cô thừa hưởng chứng rối loạn ăn trong giấc ngủ từ mẹ, bà Shirley.
Koechler, giờ đã 24 tuổi, kể lại chi tiết câu chuyện cô đã lớn lên nhờ những bữa ăn đêm này.
Khi đã ngủ say, "tôi ra khỏi giường vào giữa đêm và tìm lấy vài chiếc bánh quy Girl Scout. Tôi đánh thức mẹ dậy và rủ mẹ uống trà. Và mẹ bực mình bởi tôi liên tục đánh thức bà dậy".
Mẹ cô, bà Shirley nhớ lại: "Amy lên gác và nó vỗ cánh như một con vịt. Chúng tôi biết rằng nó sẽ mộng du, đôi mắt nó cho thấy nó không thức dậy. Đôi khi nó nhìn vào tôi và thét lên 'con đói!".
Koechler ăn đêm suốt cho đến khi trưởng thành. Và các cuộc du ngoạn vào bếp trở nên thường xuyên hơn.
"Không phải 1, mà là 6, 7 thậm chí 8 lần mỗi đêm", cô nhớ lại. "Có những lần tôi ra khỏi giường chỉ nửa tiếng sau khi thiếp đi".
Nhưng bằng cách nào đó, dù có ăn đêm suốt hai thập kỷ, cô vẫn không bị thừa cân. Còn với Anna Ryan, một bệnh nhân khác của chứng rối loạn này, thì hậu quả nặng nề hơn nhiều. Cô tăng đến 27 kg trong một năm và một nửa trong số đó là do ăn đêm.
Ăn không ý thức
Đầu tiên, cô thậm chí không biết mình đã làm gì.
"Mỗi sáng, tôi thức giấc và cảm thấy như thể mình đã ra khỏi giường", cô kể.
Ryan không biết tại sao mình lại thức dậy trong trạng thái kiệt sức và tại sao cô không thể giữ cho mắt mở tỉnh táo trong ngày. Khi bác sĩ đề nghị Ryan tham gia một nghiên cứu về giấc ngủ, cô còn cho rằng nó không cần thiết. Nhưng kết quả nghiên cứu đã khiến cô ngạc nhiên. Hóa ra, Ryan gần như đêm nào cũng đi tìm đồ ăn trong tủ lạnh hoặc trong bếp.
Giống như hầu hết những người ăn trong giấc ngủ khác, Ryan không thể nhớ lại các chuyến đi đêm của mình, song cô vẫn muốn biết nó như thế nào. Các camera đã giúp cô thấy điều đó, khi ghi lại 5 chuyến xuống bếp của cô chỉ trong 2 đêm.
Bác sĩ của Ryan, Scott Eveloff, cho biết những đồ ăn cô đưa vào bụng trong khi ngủ là một điều đáng nói. "Cô ấy bỏ qua hoa quả hay những đồ ăn có ích, mà chỉ nhằm những thứ không có dinh dưỡng, ăn thật nhiều và theo một cách rất cẩu thả. Đó là hành vi ăn trong giấc ngủ kinh điển", Eveloff nói.
Lần đầu được xem đoạn vi đeo của chính mình, Ryan bị sốc. "Tôi không thể nhận ra mình đang ăn trên giường, nằm xuống và lại ăn. Nó kinh khủng hơn tôi tưởng".
Và hầu như ai ở trường hợp cô cũng sốc khi nhìn thấy một hình ảnh khác của mình như vậy. Song tiến sĩ Carlos Schenck, tác giả cuốn "Giấc ngủ: những bí ẩn, trục trặc và giải pháp", cho rằng mọi người không cần phải hoảng sợ, bởi đó không phải là tính cách của họ. Theo Schenck, ăn trong khi ngủ là một vấn đề y học, "một thế lực sinh lý đến từ sâu trong não và cơ thể".
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện thấy não của người ăn trong khi ngủ phản ứng khác so với bộ não bình thường. Trong các giấc ngủ thông thường, phần não kiểm soát cử động cũng ngủ yên. Nhưng ở người bị SRED, phần não này "thức", và kéo theo đó là tất cả các dạng hoạt động thể chất. Trong khi đó, vùng não kiểm soát lý do và phán xét vẫn còn ngủ say.
Chính vì thế, "họ ra khỏi giường và quan sát xung quanh. Họ biết bếp ở đâu, nhưng họ không phán xét gì cả, không có sự ức chế nào cả", Schenck nói.
Sau 20 năm sống chung với tình trạng này, Amy Koechler quyết định nhờ trợ giúp. Cô sử dụng một vài loại thuốc ngăn cản quá trình này, và nó đã hiệu quả. Đôi khi cô vẫn tìm xuống bếp, nhưng không phải là kẻ du ngoạn tất cả các đêm như trước. Giờ đây có thể có giấc ngủ ngon thực sự, nhưng chỉ khi uống thuốc.
Anna Ryan, không may, lại không đáp ứng nhanh với thuốc như vậy.
Vì thế bác sĩ phải phối hợp các thuốc khác cho cô. Và sau nhiều tháng thử nghiệm, người ta mới tìm ra loại thuốc mới giúp cô ngủ được trọn đêm, đồng thời giảm cân nặng. Còn căn bếp của cô? Nó im lặng, vắng vẻ và không bị quấy rầy nữa.
Bình luận (0)