Tuyên bố về "cỗ máy thời gian" đầu tiên được đưa ra bởi tiến sĩ Gordey Lesovik, Phòng thí nghiệm Vật lý thuộc Viện Vật lý và công nghệ Moscow (MIPT), người đứng đầu nghiên cứu. Nhóm khoa học gia tại đây, với sự trợ giúp của một số đồng nghiệp từ Thụy Sĩ và Mỹ, đã thách thức các quy luật vật lý lâu đời bằng cách đảo ngược hướng thời gian trên một thiết bị gọi là "máy tính lượng tử".
Mô phỏng quá trình đưa hạt electron qubit ngược thời gian - ảnh: MIPT
Tất nhiên, đó không phải là cỗ máy thời gian có thể di chuyển người vào quá khứ như trong phim ảnh. Trong nghiên cứu lần này, các nhà khoa học mới chỉ di chuyển được các electron – một dạng hạt hạ nguyên tử - đi ngược thời gian đôi chút.
MIPT, nơi "cỗ máy thời gian" ra đời - ảnh: MIPT
Máy tính lượng tử thô sơ họ sử dụng được tạo thành từ các electron mang tên "qubit". Một dạng "chương trình tiến hóa" được đưa vào để làm cho các qubit này bị phá vỡ, mỗi qubit trở thành một mô hình biến đổi ngày càng phức tạp. Các nhà khoa học mượn hình tượng những trái bóng bi-da tách rời nhau di chuyển phức tạp trên bàn sau khi bị cây cơ tác động vào trái đầu tiên trong một nhóm bóng được xếp thành hình tam giác ngay ngắn để giải thích quá trình nói trên.
Sau đó, một chương trình khác lại đảo ngược quá trình nói trên, biến hỗn loạn trở về trật tự như một đoạn phim chiếu ngược. Toàn bộ quá trình chỉ xảy ra trong một phần nhỏ của giây. Với 2 qubit, việc đưa chúng ngược thời gian thành công đến 85%; với 3 qubit, tỉ lệ thành công còn 50%.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Scientific Reports.
Bình luận (0)