Theo The Guardian, một nhóm khoa học gia đã tìm thấy trong ADN của bạch tuộc Turquet thứ hết sức bất thường: "Hộp đen" lưu trữ về sự tan chảy của dải băng Nam Cực hàng triệu năm trước và cả lời tiên đoán về Nam Cực tương lai.
Nghiên cứu nhằm tìm hiểu xem liệu dải băng có sụp đổ hoàn toàn trong thời kỳ "gian băng" gần đây nhất - khoảng 125.000 năm trước - hay không. Đó là lúc nhiệt độ Trái Đất tương đương ngày nay.
Gian băng là thời kỳ nhiệt độ trung bình của Trái Đất ấm hơn làm tan băng ở các vùng cực và xen kẽ với các thời kỳ băng hà trong một kỷ băng hà.
Một dòng họ bạch tuộc sống quanh Nam Cực đã tiết lộ về quá khứ đáng sợ trong ADN của chúng - Ảnh: REUTERS
Khối băng ở Nam Cực đủ nước để nâng mực nước biển toàn cầu lên tận 3-4 m, có nghĩa là nhiều vùng sinh sống của con người ngày nay sẽ chìm hoàn toàn.
11 nhà khoa học trong các lĩnh vực sinh vật học, di truyền học, nghiên cứu sông băng, khoa học máy tính... đã chọn bạch tuộc Turquet vì chúng là sinh vật đã sống quanh Nam Cực suốt 4 triệu năm qua.
Các mẫu gien từ 96 con bạch tuộc được thu thập trong suốt 3 thập kỷ đã hé lộ quá khứ của loài.
Cụ thể, ADN của chúng cho thấy 125.000 năm trước, một số quần thể bạch tuộc ở hai phía đối diện của Dải băng Tây Nam Cực đã trộn lẫn với nhau, con đường duy nhất là đường biển giữa biển Weddell phía Nam và biển Ross.
Theo tiến sĩ Sally Lau, nhà di truyền học từ Trường Đại học James Cook (thuộc Đại học bang Queensland - Úc), tác giả chính của nghiên cứu cho biết điều này chỉ có thể xảy ra nếu dải băng sụp đổ hoàn toàn.
Giáo sư Nick Golledfe, đồng tác giả từ Trường Đại học Victoria Wellington (New Zealand), cho biết mối quan tâm lớn là khi dải băng đạt đến mức tan chảy ở đỉnh điểm, sự tan chảy sẽ duy trì trong nhiều thế kỷ.
Đây là lời cảnh báo đáng sợ với nhân loại vì nếu băng Nam Cực tan chảy, băng ở nhiều nơi khác trên thế giới cũng vậy khiến mực nước biển dâng còn cao hơn.
Theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc gần đây, nhiệt độ trong thời kỳ gian băng cuối cùng cao hơn thời tiền công nghiệp từ 0,5-1,5 độ C và khi đó mực nước biển toàn cầu cao hơn tận 5-10 m so với ngày nay. Chúng ta đã sắp chạm "mốc nguy hiểm" 1,5 độ C đó.
Nghiên cứu cũng cho thấy một lần nữa các loài bạch tuộc đem đến những hiểu biết khoa học thú vị. Bạch tuộc và người anh em gần với chúng là những con mực mang nhiều yếu tố bất thường so với muôn loài trong não bộ và ADN, bao gồm trí thông minh vượt trội và chia sẻ một số yếu tố với con người.
Một nghiên cứu công bố năm 2018 của 33 nhà khoa học danh tiếng khắp thế giới cũng chỉ ra bạch tuộc có thể là "con lai" của sinh vật ngoài hành tinh, được sinh ra khoảng 540 triệu năm trước.
Nguyên nhân là nhóm sinh vật này đã "nhảy" vào cây sự sống một cách đột ngột, thiếu liên kết với các loài cùng thời - dường như có sự pha trộn của gien lạ không thuộc về sinh vật Trái Đất thời kỳ đó.
Bình luận (0)