Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà khảo cổ Martin Sikor (Đại học Copenhagen, Đan Mạch) đã khám phá ra những điều thú vị về hôn phối và cách lựa chọn bạn tình của loài người thuở sơ khai, qua những di chỉ giai đoạn Thượng kỳ Đồ đá cũ ở di chỉ Sunghir (Nga).
Con người thời Thượng kỳ Đồ đá cũ - ảnh: VIỆN KHẢO CỔ HỌC (VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC NGA)
Các bộ gen được phân tích cho thấy tính đa dạng di truyền đáng ngạc nhiên, chứng tỏ những người thời kỳ này đã sẵn sàng đi đến những vùng đất xa xôi để tránh những cuộc hôn nhân cận huyết. Những cuộc hôn phối có huyết thống gần nhất được phát hiện là "second cousins" (anh chị em họ đời thứ hai, tức con cái của các anh chị em họ, tương đương thế hệ thứ tư theo cách gọi của người Việt Nam), tức đủ quy định được phép lấy nhau trong luật pháp hiện đại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Nhiều hiện vật được tìm thấy tại di chỉ này cho thấy loài người thời kỳ này giao phối theo một mạng lưới kết nối các nhóm gia đình với nhau. Đã có sự trao đổi người giữa các nhóm gia đình, có thể nói là một dạng đám cưới thời đồ đá.
Dữ liệu tìm thấy cũng khẳng định rằng người xưa đã thực sự cố ý tránh các mối quan hệ loạn luân hoặc có huyết thống quá gần. Việc giao phối theo một mạng lưới, trao đổi người hoàn toàn có mục đích nhất định chứ không phải là ngẫu nhiên. Tuy nhiên, việc người xưa hiểu biết và lo ngại thế nào về bản chất sinh học và các mối nguy về sức khỏe, thoái hóa giống của hôn nhân cận huyết và tránh chúng một cách có ý thức vẫn cần được đào sâu nghiên cứu thêm.
Cho đến ngày nay, hôn nhân cận huyết là một hủ tục vẫn còn tồn tại ở một số nơi trên thế giới. Ngoài việc đi ngược lại các quan điểm đạo đức của xã hội văn minh, hôn nhân cận huyết còn có mối nguy lớn là tạo ra những đứa trẻ mắc các bệnh lý nguy hiểm do sự kết hợp gen lặn và các rối loạn di truyền phức tạp khác.
Bình luận (0)