Kính viễn vọng khổng lồ Hubble đã chụp được một vật thể giống như sao chổi, đang bay cách Trái đất khoảng 145 triệu km. Các nhà khoa học tin rằng vật thể – được đặt tên là P/2010 A2 này – được tạo ra do sự va chạm với tốc độ cao (gấp 5 lần tốc độ của một viên đạn) giữa hai tiểu hành tinh trong vũ trụ.
“Đây có thể là hình ảnh đầu tiên mà chúng ta ghi nhận được về sự va chạm giữa các hành tinh nhỏ trong vũ trụ”, Tiến sĩ David Jewitt, một nhà thiên văn học hàng đầu tại Đại học California (Mỹ), nói. “Vật thể trong bức ảnh trông rất giống một sao chổi, nhưng phần trung tâm của nó lại cách rất xa phần đuôi. Đây là một điều rất lạ, chưa từng được ghi nhận trước đây.”
Tiến sĩ Jewitt cũng cho biết, những hình ảnh mới này cùng với việc nghiên cứu các hiện tượng tương tự xuất hiện trong vũ trụ trước đây sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về sự va chạm giữa các tiểu hành tinh, nhằm tìm giải pháp cho khả năng Trái đất của chúng ta có thể va chạm với các thiên thạch trong tương lai.
Theo ước tính của Cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA), hiện có khoảng 1.000 vật thể có đường kính lớn hơn khoảng 1km đang hoạt động trong vụ trụ và có khả năng va chạm với hành tinh của chúng ta.
Những nghiên cứu khoa học trước đây cũng đã phỏng đoán rằng một ngôi sao chổi khổng lồ hoặc một tiểu hành tinh đã lao vào Trái đất khoảng 65 triệu năm cách đây, tạo ra những đám mây bụi khổng lồ ngăn cản ánh sáng Mặt trời chiếu xuống Trái đất trong một thời gian dài. Điều này có thể là nguyên nhân dẫn tới sự tuyệt chủng của loài khủng long.
Bình luận (0)