Theo Science Alert, dữ liệu ngày 13-3 từ Đài quan sát Mặt Trời và nhật quyển (SOHO) của ESA (Cơ quan Vũ trụ châu Âu) và NASA đã ghi lại một vụ phóng khối lượng đăng quang (CME) cực mạnh, hiện ra như một vầng mây sáng mở rộng với tốc độ cực cao - 2.127 km/giây.
Việc Mặt Trời phun ra các CME - dạng cầu lửa vũ trụ bằng plasma - không có gì lạ, nhưng thông thường Trái Đất chị bị ảnh hưởng khi các CME này hướng thẳng vào nó.
Vụ phóng CME hôm 13-3 - Ảnh: SOHO/NASA/ESA
CME này được tờ Space gọi là quả cầu "plasma bóng tối", bởi nó được bắn vào hướng ngược lại với Trái Đất. Tuy nhiên vụ phun trào quá mạnh đến nỗi sóng xung kích của nó lan tỏa khắp không gian, dội vào cả hướng ngược lại và tạo ra một cơn bão địa từ cấp G2 tấn công Trái Đất.
Sự kiện được cho là đã tạo ra cực quang và một vụ gián đoạn tín hiệu vô tuyến sóng ngắn được ghi nhận ở các nước Âu - Mỹ gần Bắc Cực hôm 15-3.
CME lần này được xếp vào loại R, rất hiếm, phát ra từ một vết đen Mặt Trời ở phía kia của ngôi sao mẹ.
Tàu SOHO - Ảnh: ESA
Thủ phạm tiềm năng của sự kiện này là AR3234, một vết đen Mặt Trời đã khuất tầm mắt theo góc nhìn từ Trái Đất từ ngày 4-3, sau khi tuôn ra 49 quả pháo sáng cấp C, 12 quả pháo sáng cấp M và 1 quả cấp X (loại mạnh nhất), kèm theo nhiều CME, trong đó nhiều cái đã trúng Trái Đất.
Theo NASA, tàu thăm dò Mặt Trời khác của họ là Paker sẽ ở ngay tầm ngắm của vết đen AR3234, trong ngày 17-3 và có cơ hội thu thập dữ liệu kỹ càng hơn về họng súng vũ trụ hung dữ này. Sẽ mất một ít thời gian để dữ liệu ngày 17-3 của tàu được tải về Trái Đất và phân tích.
Đài quan sát Động lực học Mặt Trời (SDO) của NASA và Tàu quỹ đạo Mặt Trời của Đài thiên văn Nam Âu (ESO) cũng sẽ cùng tham gia với hai tàu SOHO và Paker trong cuộc nghiên cứu này.
Bình luận (0)