Theo tờ Independent, ngày 25-2, các nhà khoa học Anh sẽ tập hợp trong buổi lễ gắn biển xanh (blue plaque) lưu danh cừu Dolly ở viện Roslin của trường Đại học Endinburgh, nơi Dolly đã được tạo ra, lớn lên và qua đời. Tấm biển sẽ có dòng chữ với nội dung: “Dolly the Sheep, 1996-2003. First mammal to be cloned from an adult cell” (Cừu Dolly, 1996-2003, động vật có vú đầu tiên được nhân bản vô tính từ tế bào trưởng thành).
Cừu Dolly sẽ được vinh danh
Blue Plaque là tấm biển tròn sơn màu xanh dương, chữ trắng, được gắn để đánh dấu nơi ở và làm việc của những nhân vật nổi tiếng để mọi người tưởng nhớ họ. Hiện ở Anh có khoảng vài trăm tấm biển như vậy. Sở dĩ Dolly được lưu danh vì “cô cừu” này được xem là một trong những “anh hùng thầm lặng” của ngành sinh học thế giới. Tuy nhiên, Dolly không phải là động vật đầu tiên được lưu danh bởi trước đó chú chó Nipper màu đen trắng được dùng làm mẫu vẽ nên biểu tượng âm nhạc huyền thoại của hãng thu âm His Master’s Voice cũng đã được lưu danh bằng một tấm biển xanh tương tự ở Piccadilly, trung tâm London.
Việc gắn biển lưu danh Dolly là một phần trong kế hoạch của Hội sinh học Anh (Society of Biology) nhằm tưởng niệm 10 “anh hùng thầm lặng” của khoa học trên khắp nước Anh.
Ông Mark Downs, chủ tịch điều hành Hội, phát biểu với tạp chí The Times rằng Hội muốn tôn vinh không chỉ mình cừu Dolly mà còn cả đội ngũ các nhà khoa học đã tham gia vào dự án tạo nên Dolly - động vật nhân bản vô tính từ tế bào sinh dưỡng trưởng thành đầu tiên trên thế giới. “Rất nhiều người đã tham gia vào, nên chỉ lưu một cái tên thôi dường như cũng có đôi chút không công bằng” - Mark Downs nói.
Giáo sư Ian Wilmut, trưởng dự án nhân bản vô tính cừu Dolly, sẽ có một bài phát biểu ngắn tại buổi lễ gắn biển xanh. Các nhà khoa học nổi tiếng khác sẽ dự lễ còn có Dorothy Hodgkin – nhà khoa học nữ duy nhất của Anh từng được trao giải Nobel và nhà khoa học Alan Hodgkin, người cũng đoạt giải Nobel nhờ những thí nghiệm về hệ thần kinh thực hiện thành công trên loài mực ống.
Cừu Dolly đã được tiêm một mũi thuốc gây chết không đau đớn vào năm 2003 do bệnh phổi của nó khi đó quá trầm trọng. Dolly chào đời vào ngày 5-7-1996 được tạo ra từ tế bào sinh dưỡng trưởng thành áp dụng phương pháp chuyển nhân. Việc tạo ra Dolly đã chứng tỏ rằng một tế bào được lấy từ những bộ phận cơ thể đặc biệt có thể tái tạo được cả một cơ thể hoàn chỉnh. Đặc biệt hơn, điều này chỉ ra, những tế bào soma đã biệt hóa và trưởng thành từ cơ thể động vật dưới một số điều kiện nhất định có thể chuyển thành những dạng toàn năng (pluripotent) chưa biệt hóa và sau đó có thể phát triển thành những bộ phận của cơ thể con vật.
Dolly được đặt tên theo tên của ca sĩ nhạc đồng quê Dolly Parton, người nổi tiếng có bộ ngực “đồ sộ”, vì tế bào gốc dùng tạo nên Dolly được lấy từ tuyến vú của một con cừu cái.
Bình luận (0)